Các nhà lãnh đạo NATO đang tiến hành hội đàm trong Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của khối tại thủ đô của Litva. Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng qua, nhằm tìm kiếm sự thống nhất quan điểm của liên minh quân sự này trong nhiều vấn đề nóng, cùng các kế hoạch chiến lược của khối. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế - an ninh - địa chính trị thế giới có nhiều biến động, các vấn đề quan trọng đang thử thách sự đoàn kết của NATO.
Một trong những hồ sơ nóng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh NATO là vấn đề kết nạp Ukraine. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đồng minh NATO sẽ đưa ra "quyết định mạnh mẽ" về tư cách thành viên của Ukraine và xác nhận nước này sẽ gia nhập liên minh. Tuy nhiên, nội bộ NATO vẫn chưa thống nhất về thời điểm khi nhiều nước cho rằng Ukraine sẽ chỉ được kết nạp khi xung đột với Nga kết thúc.
Một số nước Đông Âu cho rằng nên đưa ra lộ trình cụ thể cho Ukraine tại hội nghị lần này, trong khi Mỹ và Đức lo ngại về những động thái có thể đẩy NATO đến gần hơn chiến tranh. Bên cạnh đó, vấn đề gia tăng hỗ trợ Ukraine cũng sẽ là bài toán NATO cần giải quyết khi mà nhiều nước châu Âu đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp cao và tình trạng bất ổn chưa từng thấy.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda: "Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng ngay bây giờ, đang ở giữa cuộc chiến, Ukraine không thể gia nhập NATO ngay lập tức".
Ông Bruno Lete - Nhà phân tích cấp cao, Quỹ Marshall, Đức: "Hội đồng NATO - Ukraine sẽ được thành lập. Trong trường hợp khẩn cấp, Ukraine sẽ có quyền triệu tập các đồng minh, đó là một lực lượng chính trị khá quan trọng với Ukraine nhưng tôi cho rằng tại hội nghị, Ukraine sẽ chưa thể đạt được các quy chế theo Điều 5 của NATO".
Việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng là thách thức với NATO. Năm 2014, NATO nhất trí về mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trong vòng 10 năm. Dữ liệu mới nhất của NATO cho thấy, 11 thành viên dự kiến đáp ứng mục tiêu này trong năm nay. Tại hội nghị, các thành viên dự kiến đưa ra cam kết tham vọng hơn khi xem mức 2% GDP là yêu cầu tối thiểu, thay vì mục tiêu hướng đến. Dù vậy, hiện chưa có thông tin về thời gian biểu để đạt được mục tiêu mới nói trên.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO: "Tôi mong các đồng minh NATO đưa ra cam kết tham vọng hơn về chi tiêu quốc phòng với tỷ lệ 2% GDP sẽ là mức sàn chứ không phải mức trần".
Ngoài ra, tiến độ tăng quân thường trực tại khu vực sườn phía Đông hay bế tắc trong việc tìm một lãnh đạo kế nhiệm của NATO cũng là những thách thức mà Liên minh quân sự này đang phải đối mặt.
Thụy Điển đã rộng đường gia nhập NATO?
Tổng thư ký NATO khẳng định việc Thụy Điển hoàn tất gia nhập NATO là bước đi lịch sử có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh khi cuộc chiến ở Ukraine còn diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, kiểm soát quân sự của NATO ở khu vực Bắc bán cầu sẽ được mở rộng, nơi mà các cường quốc đang gia tăng cạnh tranh, ảnh hưởng trong thời gian gần đây.
Giới chuyên gia châu Âu cho rằng, việc Thụy Điển gia nhập NATO không thay đổi đáng kể cục diện an ninh, bởi Thụy Điển vốn rất gần gũi với NATO. Đầu tháng 6, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển tuyên bố, cho NATO đóng quân trên lãnh thổ của mình dù nước này chưa chính thức gia nhập liên minh quân sự. Cũng cần nhớ rằng, các đồng minh NATO khác vẫn đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và Liên minh châu Âu.
Củng cố khả năng phòng thủ và răng đe của NATO tại khu vực sườn phía Đông trước nguy cơ từ Nga là vấn đề cấp bách, nhất là kế hoạch tăng quân thường, khí tài quân sự hiện đại thường trực tại khu vực. Tổng thư ký NATO cũng muốn đưa 2% GDP trở thành mức đóng góp chi tiêu quốc phòng tối thiểu của các nước đồng minh hơn là mức trần. Ngoài ra, giới phân tích cũng kỳ vọng các nước NATO sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác toàn cầu, nhất là với các nước Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản theo Chương trình đối tác được điều chỉnh riêng của NATO. Với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì ưu tiên hợp tác là đảm bảo an ninh mạng, an ninh hàng hải, chống tung tin giả…
Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ tư của NATO kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng là thời điểm các lãnh đạo của NATO phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng, mà theo như Tổng thư ký Jens Stoltenberg mô tả thì đây là hội nghị mang tính lịch sử.
Đã có nhiều phân tích lo ngại về khả năng thượng đỉnh lần này có tìm được tiếng nói thống nhất của NATO cho các quyết định quan trọng hay không. Ít nhất, tiến triển trong việc kết nạp Thụy Điển đã gửi đi một tín hiệu tích cực. Trong khi đó, điện Kremlin hiện đang theo dõi rất sát sao hội này. Moscow cho biết, sẽ có những phân tích sâu về các tuyên bố được phương Tây đưa ra và có biện pháp để bảo vệ an ninh của nước Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!