Những kỳ vọng tại Hội nghị COP29
Hội nghị lần thứ 29, Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là Hội nghị COP29) đã chính thức khai mạc tại Baku, Azerbaijan. Đây được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Hội nghị COP29 diễn ra từ ngày 11 - 22/11, tập trung vào việc tăng cường tài trợ cho các quốc gia đang phát triển. Một thông tin được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị COP29 đó là gần như chắc chắn rằng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử và là năm đầu tiên nhiệt độ vượt quá mục tiêu 1,5 độ C. Do vậy hội nghị này nay có ý nghĩa quan trọng và đặt ra nhiều kỳ vọng mới.
Thứ nhất, các quốc gia sẽ hướng tới một mục tiêu tài chính khí hậu mới, thay thế mục tiêu được đặt ra vào năm 2009 là huy động 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển vào năm 2020 - một mục tiêu chưa bao giờ đạt được.
Thứ hai, Hội nghị COP29 có thể thiết lập các quy tắc về buôn bán carbon quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris sau nhiều năm đàm phán bị đình trệ. Thỏa thuận này sẽ cho phép các quốc gia trao đổi tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu khí hậu quốc gia.
Thứ ba, Hội nghị COP29 sẽ hướng tới phát triển một hệ thống phân loại xanh phổ quát nhằm mục đích thiết lập các tiêu chí tiêu chuẩn hóa cho đầu tư bền vững trên quy mô toàn cầu.
Hội nghị COP29 đã chính thức khai mạc tại Baku, Azerbaijan. Nguồn: AP/Alamy.
Đóng góp của Quỹ Tổn thất và Thiệt hại
Tại sự kiện Hội nghị COP28 năm ngoái tại Dubai, sáng kiến thành lập Quỹ Tổn thất và Thiệt hại ứng phó biến đổi khí hậu được xem là một thành công rất lớn của nước chủ nhà.
Cho đến nay, các nước phát triển mới chỉ cam kết 700 triệu USD cho Quỹ ứng phó với Tổn thất và Thiệt hại, trong khi các nước đang phát triển cho biết cần ít nhất 100 tỷ USD/năm, tức mới chỉ đạt 1/14 mục tiêu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không có những đóng góp tài chính đáng tin cậy, quỹ này có nguy cơ trở thành một "nỗ lực mang tính biểu tượng" thay vì một công cụ hiệu quả cho công lý khí hậu.
Bài toán tài chính khí hậu tại Hội nghị COP29
Các nhà đàm phán dự kiến sẽ có 12 ngày làm việc chính thức. Hội nghị COP29 năm nay được coi là "COP tài chính". Bởi để cắt giảm lượng phát thải khí thải nhà kính như các quốc gia đã cam kết, để xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, để chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng sang xanh hơn, ít phát thải khí nhà kính hơn đòi hỏi các khoản vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, tài chính vẫn luôn là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán khí hậu.
Cuối tháng 8/2024, Liên Hợp Quốc công bố dự thảo về tài chính khí hậu dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị COP29.
Tài liệu mang tên "Mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu", muốn thay thế các cam kết của các nước phát triển về việc đóng góp 100 tỷ USD/năm nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự thảo có 7 phương án sơ bộ. Theo khối các nước Arab, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025 - 2029 để huy động các khoản vay và tài chính cá nhân.
Các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hằng năm là 1.300 tỷ USD. Các nước tài trợ gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia thì cho rằng con số trên là không thực tế.
Các nước tài trợ cũng lập luận rằng hiện tại, họ chỉ tạo ra gần 30% lượng khí khí nhà kính và muốn đưa thêm các nước có phát thải lớn vào danh sách các nhà tài trợ, chẳng hạn như các nước Vùng Vịnh.
Ông Mukhtar Babayev - Chủ tịch Hội nghị COP29 cho biết: "Các cuộc đàm phán về mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu là cơ hội để thiết lập một con đường mới, mở khóa nguồn vốn và xây dựng lại lòng tin giữa các bên".
"Chúng ta phải nhất trí về một mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu mới. Nếu ít nhất 2/3 các quốc gia trên thế giới không đủ khả năng cắt giảm khí thải nhanh chóng thì mọi quốc gia đều phải trả giá đắt. Nếu các quốc gia không thể xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động. Không quốc gia nào miễn nhiễm", ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho hay.
Hội nghị COP29 được coi là một thử nghiệm lớn về sự hợp tác và ý chí đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các cuộc đàm phán tại Hội nghị COP29 được kỳ vọng đạt mục tiêu tài chính mới. Tuy nhiên, đàm phán sẽ đầy khó khăn, xuất phát từ những mâu thuẫn lợi ích giữa các nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!