Thủ tướng lâm thời Haiti Florence Duperval Guillaume. (Ảnh: Journaldemontreal)
Đây là một phần trong nỗ lực hướng tới việc giải quyết bế tắc chính trị tồn tại lâu nay ở quốc gia này.
Theo hiến pháp Haiti, bà Guillaume sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong 30 ngày trước khi Tổng thống nước này Michel Martelly đề cử một ứng viên chính thức để trình Quốc hội thông qua. Trong danh sách ứng cử viên thủ tướng có cựu Thủ tướng Jean-Max Bellerive, Bộ trưởng Tài chính Marie-Carmelle Jean-Mari và cựu Bộ trưởng Nội vụ Jocelerme Privert.
Bà Guillaume giữ chức Bộ trưởng Y tế Haiti từ năm 2011. Trong nhiệm kỳ vừa qua, bà đã có nhiều đóng góp trong việc cải cách hệ thống y tế yếu kém của Haiti, với việc thành lập hàng loạt bệnh viện mới, ngăn chặn dịch tả và sự lây lan của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Bà Guillaume được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời Haiti trong bối cảnh Thủ tướng Lamothe vừa tuyên bố từ chức để xoa dịu căng thẳng chính trị trong nước sau khi bùng phát làn sóng biểu tình chống Chính phủ yêu cầu Tổng thống Martelly và Thủ tướng Lamothe từ chức. Mỹ và Liên hợp quốc cảnh báo quốc gia Caribbe nghèo khó này đang đứng bên bờ vực khủng hoảng chính trị.
Trước đó, Haiti đã buộc phải hoãn bầu cử quốc hội và bầu cử địa phương hôm 26/10 do Quốc hội không thông qua được luật bầu cử. Quốc hội hiện nay của Haiti sẽ phải đóng cửa vào ngày 12/1 tới nếu như nước này không thể tổ chức tổng tuyển cử trước khi Thượng viện kết thúc nhiệm kỳ. Nếu tình huống này xảy ra, Haiti sẽ không thể có Chính phủ cho tới khi tiến hành bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2015, thời điểm Tổng thống Martelly mãn nhiệm.
Để ngăn kịch bản xấu xảy ra, Tổng thống Martelly cam kết sẽ tiến hành tham vấn với nhiều nhóm khác nhau. Nếu cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử địa phương được tổ chức, người dân Haiti sẽ bầu chọn 20 thượng nghị sỹ, 102 hạ nghị sỹ cho Quốc hội và lãnh đạo các thành phố.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.