Từ năm 2005, hạn mức chi trả BHTG được quy định là 50 triệu đồng. Dù khách hàng đang gửi tiết kiệm 50 triệu, 100 triệu hay vài tỷ đồng tại một ngân hàng, trong trường hợp chẳng may ngân hàng đó gặp vấn đề, các khoản tiền gửi không thể lấy lại được thì số tiền tổ chức BHTG Việt Nam có thể đền bù cho mỗi khách hàng tối đa cũng chỉ 50 triệu đồng.
Sau 8 năm, hạn mức BHTG vẫn giữ nguyên tối đa 50 triệu đồng (Ảnh: VTV News)
Tối đa chỉ 50 triệu được bảo hiểm khi hiện giờ, trung bình cứ 10 người gửi tiền thì 8 người gửi nhiều hơn con số 50 triệu kể cả ở những địa phương không quá mạnh về kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Oánh, PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Giang cho biết: "Đến bây giờ mức chi trả 50 triệu không còn phù hợp với thực tế. Nếu như trước kia người dân chỉ gửi 20 triệu, 30 triệu hay 50 triệu thì đến nay, khoản tiền gửi của dân tăng rất cao do thu nhập tăng, tỷ lệ lạm phát chưa lớn. Tôi nghĩ cần phải thay đổi và nâng hạn mức chi trả, có thể lên khoảng 200 triệu".
200 triệu đồng hạn mức BHTG cũng là quan điểm của một số chuyên gia kinh tế đã đề xuất, gấp 5-6 lần thu nhập bình quân đầu người hiện nay tại Việt Nam. Tỷ lệ này đã được áp dụng ở một số quốc gia như Thái Lan, Philippines và Mỹ.
Tuy nhiên, nâng hạn mức không chỉ đơn giản là trả nhiều tiền hơn cho người gửi tiền sau khi ngân hàng bị đổ vỡ. Quan trọng hơn là tổ chức bảo hiểm phải thực sự giám sát, chấn chỉnh được ngân hàng trước khi ngân hàng đổ vỡ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Công ty BHTG FDIC ở Mỹ nhiều khi có vai trò còn lớn hơn Ngân hàng Trung ương của Mỹ. Vai trò đầu tàu của BHTG là kiểm soát rủi ro và quản lý các ngân hàng".
Nếu như tại Mỹ, trước cửa hay trên quầy giao dịch của mỗi ngân hàng đều dán tấm bảng liên quan tới BHTG để người gửi tiền tăng niềm tin về khoản tiền gửi của mình thì tại Việt Nam, nhiều người còn chưa biết đến sự xuất hiện của BHTG. Nâng hay không nâng hạn mức BHTG và nếu nâng thì nâng bao nhiêu? Mọi câu trả lời sẽ trở lên hợp lý khi vai trò của BHTG tại Việt Nam được làm rõ.