Xử trí đúng cách khi dị ứng thuốc

Tuấn Bảo, icon
09:14 ngày 02/06/2020

VTV.vn - Dị ứng thuốc là một phản ứng quá mức xảy ra khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc bằng đường uống, tiêm, bôi da... dẫn đến các biểu hiện có hại cho sức khỏe.

Người bệnh mắc hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào. Trường hợp dị ứng thuốc nặng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều dùng và có tính mẫn cảm chéo, nếu dùng hoặc tiếp xúc lại với thuốc hoặc thuốc cùng nhóm với thuốc đã gây dị ứng thì phản ứng dị ứng sẽ nặng hơn và có thể gây tử vong.

Dị ứng thuốc biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, phần lớn những phản ứng dị ứng thông thường xuất hiện ở trên da như mẩn đỏ, sẩn ngứa,… Người dị ứng thuốc thường dị ứng với một số loại thuốc như dị ứng thuốc kháng sinh, vitamin dạng tiêm, dị ứng paracetamol, dị ứng thuốc gây tê, thuốc gây ngủ, giãn cơ, một số thuốc nội tiết tố...

Một số biểu hiện dị ứng thuốc

- Nổi mày đay: Là biểu hiện hay gặp và là triệu chứng ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc, trong đó có những dị ứng thuốc rất nặng. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây nên tình trạng nổi mề đay nhưng đa số là dị ứng thuốc kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt...

Có thể xuất hiện sau dùng thuốc từ 5 - 10 phút đến vài ngày tùy theo từng loại thuốc gây dị ứng và cơ địa người bệnh. Người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng kèm theo với mề đay có thể đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

- Nổi mẩn, ban đỏ: Trên da xuất hiện nổi mẩn hoặc dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, gây ngứa... Ban đỏ có thể xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần.

- Phù Quincke: Là một dạng mề đay khổng lồ với các biểu hiện sưng phù cục bộ dưới da, có thể gây ngứa và đau nhức. Nguyên nhân có thể do dị ứng thuốc kháng sinh, huyết thanh, hạ sốt, chống viêm, giảm đau...

Sau khi dùng thuốc, phù Quincke thường xuất hiện ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Kích thước phù Quincke thường to, có khi bằng bàn tay, nếu ở gần mắt có thể làm mắt híp lại, ở môi làm môi sưng to biến dạng. Màu da phù Quincke bình thường hoặc hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay...

Phù Quincke biểu hiện ở mặt, thường khiến người mắc sưng to 2 mí mắt, môi và da mặt, kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn, còn biểu hiện ở họng, thanh quản là tình trạng bệnh gây nguy hiểm nhất khi gây ra khó thở, ho khan, mặt mất máu và tím tái. Bệnh nghiêm trọng có thể làm co thắt khí quản khiến bệnh nhân bị nghẹt thở, có thể tử vong nếu không được cấp cứu và chữa trị nhanh chóng, ở đường tiêu hóa còn khiến bệnh nhân tiêu chảy, nôn ói dữ dội.

- Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước (Hội chứng Stevens - Johnson): Đây là phản ứng dị ứng nặng, nguy hiểm. Hội chứng này có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc vài giờ đến nhiều ngày sau đó.

Người bệnh thấy mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi các bọng nước trên da, các hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục dẫn tới viêm loét, hoại tử niêm mạc các hốc này. Có thể kèm theo tổn thương gan thận, thể nặng có thể gây tử vong.

- Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell): Hội chứng Lyell cũng là một trong những phản ứng dị ứng thuốc nặng, có thể xuất hiện vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc.

Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ, đôi khi có các chấm xuất huyết, vài ngày sau, lớp thượng bì tách khỏi da, khẽ động tới là trợt ra từng mảng. Có thể gây viêm gan, thận, tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn tới tử vong.

Làm gì khi dị ứng thuốc?

Khi nhận thấy các triệu chứng dị ứng thuốc, người bệnh cần:

- Ngừng ngay thuốc đang tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi,...

- Nếu dị ứng nhẹ, dùng các thuốc chống dị ứng.

- Trường hợp nặng như khó thở, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, phát ban khắp người... Thì cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời.

- Người bệnh phải ghi nhớ loại thuốc gây ra dị ứng cho cơ thể mình, thông báo cho bác sĩ biết loại thuốc mình đã từng bị dị ứng, để bác sĩ chỉ định thuốc khác điều trị thay thế .

Một số biện pháp phòng và hạn chế dị ứng thuốc

Tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước. Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng. Do đó, cách tốt nhất là không để bị dị ứng và phải dự phòng. Người bệnh cần tuân theo những quy tắc sau:

- Không tự điều trị, chỉ dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.

- Không dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác, không dùng đơn thuốc của người khác hoặc đưa đơn thuốc của mình cho người khác sử dụng.

- Khi đi khám bệnh hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

- Khi có những dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc: Sốt, mệt mỏi khác thường, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ngứa nổi mẩn trên da…cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục