Xử trí cơn hen phế quản cấp tại nhà

ThS. BS. NGUYỄN THANH VÂN TUYÊN, icon
03:17 ngày 22/01/2013

 Hen suyễn là bệnh lý hô hấp thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi. Ở VN, tỉ lệ mắc hen trung bình là 3,9% dân số, tương đương với 4 triệu người mắc.

(Ảnh minh họa)
Theo GS.TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Dị ứng Miễn dịch lâm sàng VN cho biết, bệnh hen đã khiến 25% số bệnh nhân (BN) phải nhập viện, 42% số trẻ nghỉ học, 29% người lớn nghỉ làm. Mỗi năm 3.000 người chết do hen, các trường hợp tử vong do hen thường là do BN không thể qua khỏi cơn hen phế quản (hay đợt cấp của hen). Vì vậy, việc xử trí cơn hen phế quản cấp là hết sức quan trọng nhằm giúp BN tránh những rủi ro đáng tiếc.
Những dấu hiệu báo trước


Cơn hen phế quản là một đợt ho, khò khè, khó thở hay đau tức ngực hoặc kết hợp các biểu hiện này, xuất hiện đột ngột hoặc xảy ra sau một yếu tố kích thích. Cơn hen phế quản thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi BN gặp các yếu tố kích thích (các yếu tố khởi phát hen). Hầu hết các cơn hen phế quản xảy ra ngắn. Nhưng cơn hen phế quản nặng không xử trí kịp thời có thể gây tử vong.

Những dấu hiệu báo trước một cơn hen phế quản sắp xuất hiện là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Sau những dấu hiệu đó, cơn hen phế quản xuất hiện với các triệu chứng: khò khè nặng cả khi BN hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh. Nếu nhận biết và điều trị kịp thời triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như: đau ngực, nặng ngực, nói khó, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi và đầu chi. Tình trạng trên nếu kéo dài, BN sẽ bị giảm oxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức… có thể tử vong.

Xử trí đúng khi có cơn hen

Nhằm hạn chế tối đa việc phải nhập viện hoặc tử vong do cơn hen phế quản, BN cần xử trí đúng cơn hen phế quản ngay từ đầu.

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của cơn hen, việc cần làm đầu tiên là tránh xa (nếu có thể được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện, đó là những yếu tố gây nên tình trạng dị ứng ví dụ như phấn hoa, lông thú vật, mùi khói thuốc lá, hóa chất... Bước tiếp theo là sử dụng thuốc tùy theo mức độ cơn hen.

Nếu cơn hen phế quản nhẹ hoặc vừa (các triệu chứng chỉ có khi hoạt động, khi gắng sức): dùng ngay thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh (phổ biến nhất là Salbutamol dạng hít, xịt):

- Xịt họng 1 - 2 nhất.

Nếu BN không thể tự sử dụng đúng cách bình xịt được thường là trẻ em, người lớn tuổi thì phải dùng buồng đệm, hay sử dụng máy phun khí (ví dụ Salbutamol 2,5 - 5mg/lần). Tiếp theo nới lỏng quần áo và ngồi yên trong một giờ và theo dõi xem có dễ thở hơn không? Có giảm khò khè? Có giảm ho? Có bớt nặng ngực không?

- 20 phút sau, nếu vẫn không giảm thì lặp lại lần 2 (2 nhát/lần).

- 20 phút vẫn không giảm thì xử trí như cơn hen phế quản nặng.

Nếu cơn hen phế quản nặng (các triệu chứng không giảm hoặc nặng hơn sau khi hít thuốc giãn phế quản, khó thở cả khi nghỉ ngơi, không thể nói hết câu): gọi điện ngay cho bác sĩ (BS) hoặc đi đến bệnh viện, trong khi đó vẫn tiếp tục xịt 2 liều thuốc giãn phế quản và uống 1 liều thuốc corticoid.

Nếu cơn hen phế quản là rất nặng (tím môi, lú lẫn, tháo mồ hôi, không thể đứng, không thể nói): gọi ngay cấp cứu, uống ngay corticoid + xịt 2 liều thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.

Điều quan trọng nhất mà BN cần nhớ là phải mang theo thuốc cắt cơn dạng ống hít bên mình mọi lúc mọi nơi dù bệnh hen đã được kiểm soát hoàn toàn hay chưa để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, BN tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc cắt cơn. Trong trường hợp BN có cơn hen phế quản nhiều lần trong một tuần có nghĩa là bệnh hen chưa được kiểm soát, khi đó nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn và chỉnh liều thuốc điều trị duy trì phù hợp.


Cùng chuyên mục