Rượu và những vấn đề liên quan

P.V, icon
06:00 ngày 08/12/2022

VTV.vn - Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc ngộ độc rượu mạn tính khi uống nhiều rượu trong thời gian dài.

Hình minh họa.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, ngộ độc rượu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng rượu mà nguyên dân do sản phẩm rượu có pha tạp chất có chức Methanol. Đây là vấn đền mà xã hội và các cơ quan chức năng quan tâm hiện nay khi các vụ ngộ độc rượu do sử dụng các sản phẩm rượu không có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc hoặc có chứa methanol với hàm lượng cao.

Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

Ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại rau củ có chứa tinh bột hoặc đường. Khác với Ethanol, Methanol chủ yếu được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Trong thực phẩm chỉ có Ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là có thể được sử dụng để sản xuất các đồ uống có cồn, còn Methanol lại gây độc và thường được dùng như dung môi để hòa tan các chất hữu cơ hoặc vô cơ.

Khi uống vào cơ thể các loại rượu sẽ được chuyển hóa ở gan dưới tác dụng của men ancohol dehydrogenase thành andehyd, sau đó nhanh chóng chuyển thành acid và sản phẩm chuyển hóa cuối cùng là CO2 và nước. Với Ethanol, sản phẩm chuyển hóa là acid acetic (thành phần chính của giấm ăn) không độc, còn sản phẩm chuyển hóa của Methanol là acid formic. Chính acid formic được xem là là thủ phạm gây ngộ độc Methanol. Các trường hợp ngộ độc rượu phát hiện hàm lượng Methanol rất nhiều trong cơ thể. Methanol vào cơ thể người ban đầu gây say giống rượu bình thường. Sau khi uống từ 1 đến 2 ngày, Methanol trong cơ thể chuyển hóa thành axit formic rất độc. Máu bị nhiễm axit khiến bệnh nhân thở nhanh và sâu giống như khó thở; tổn thương mắt gây nhìn mờ, nặng hơn có thể gây mù; thậm chí phù não, hôn mê, hoại tử não và tử vong.

Tác hại của ngộ độc rượu

Trong 1"đơn vị rượu" thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml (2-12 độ rượu) hoặc 1 chén rượu vang 125ml (9-18 độ rượu) hay 1 chén rượu mạnh 40ml (40 độ rượu). Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Tác hại tức thì khi uống quá nhiều rượu (lạm dụng): Phản ứng chậm, đi đứng xiêu vẹo, giảm khả năng nhìn, nghe, ngửi. Có thể dẫn đến các hành vi thiếu kiềm chế như cọc cằn, có ảo giác. Giảm sút trí tuệ, trí nhớ, sa sút tâm thần. Nôn mửa, đau bụng. Ngộ độc nặng có thế dẫn đến bất tỉnh, xanh tái, tử vong.

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan, ruột, dạ dày; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim; mất trí nhớ; ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản....

Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Xử lý khi ngộ độc rượu:

- Say rượu: cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh; có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5g Amonium acetat trong một cốc nước muối.

- Ngộ độc rượu: Nếu bệnh nhân mất ý thức hoặc lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, có giật cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

- Xử trí ngộ độc rượu Metylic (Methanol): Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.

Để hạn chế tối đa việc ngộ độc rượu và đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý các vấn đề sau khi mua, lựa chọn sản phẩm rượu:

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định gồm một số thông tin bắt buộc trên nhãn: Tên sản phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, định lượng sản phẩm, hàm lượng ethanol, thông tin cảnh báo (nếu có)…

Nên mua ở các cửa hàng có uy tín, thương hiệu...và những nơi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm nói chung và có giấy phép kinh doanh rượu nói riêng (trừ hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ).

Không nên mua: Sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu: Sản xuất, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy; Về chất lượng và an toàn thực phẩm: tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu thực hiện công bố sản phẩm rượu, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Thủ tục công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm luật hiện hành khác; Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Bản thân rượu cũng là chất có thể gây độc hại cho cơ thể khi bị lạm dụng. Sử dụng rượu, bia nhiều có hại đến sức khỏe người sử dụng và tác động xấu đến gia đình, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế… do đó Chính phủ đã ban hành Luật Phòng chống tác hại bia rượu năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu bia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục