Trung bình một người cao tuổi có thể mắc gần 7 bệnh

Minh Đức, icon
02:38 ngày 07/10/2019

VTV.vn - Người cao tuổi thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và những hội chứng về lão khoa như sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, Alzheimer...

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% tổng dân số, nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo đến 2050, khoảng 25% dân số cả nước là người trê 60 tuổi.

Tổng cục Thống kê dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Để ứng phó với già hóa dân số, tháng 4/2018 UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025. Một chỉ tiêu quan trọng mà đề án đề ra là đến 2025 có 90% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; ít nhất 85% người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm.

Theo báo cáo của Bệnh viện Lão khoa Trung ương thực hiện cách đây chưa lâu với 610 người trên 80 tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính…

Những người bệnh cao tuổi vào viện điều trị thường mắc ít nhất 3 bệnh trở lên. Cũng có rất nhiều người bệnh có những hội chứng về lão khoa đặc biệt như sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, bệnh alzheimer, bệnh parkinson…

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, việc triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các bệnh viện hạng 2, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã của thành phố đã tương đối tốt. Song đến thời điểm này, mới chí có một số ít bệnh viện thành lập được khoa lão, có đơn nguyên lão khoa, còn lại đa phần mới bố trí dành riêng một số giường bệnh lão khoa.

Điều đáng mừng nhất là hiện nay, nhận thức của chính những người cao tuổi về chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống đã thay đổi rõ rệt. Rất nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe. Bản thân những người cao tuổi cũng nhận thức được tầm quan trọng của bản thân trong xã hội, không chỉ tự chăm sóc sức khỏe, đi khám định kỳ mà còn trở thành lực lượng nòng cốt cho các hoạt động cộng đồng như chiến dịch phòng chống thuốc lá, bảo vệ môi trường, tuyên truyền ATVSTP...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục