Thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng thế nào đến trí tuệ trẻ?

Thủy Nguyễn, icon
11:30 ngày 02/12/2016

VTV.vn - Thiếu i-ốt là nguyên nhân quan trọng gây ra tổn thương não và tác động tới khả năng học tập của trẻ, sức khỏe của phụ nữ, chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Ảnh: maangchi.com

Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-10 tuổi là 9,8%, đây là kết quả điều tra năm 2014 cho thấy tình trạng báo động về việc thiếu i-ốt đang quay trở lại. Trên thị trường, các loại muối cũng như gia vị mặn dần dần không trộn i-ốt, chính vì vậy hội thảo ngày 2/12 do Bộ Y tế tổ chức nhằm tái thiết lập cũng như củng cố chương trình Phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt.

Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, theo số liệu gần đây cho thấy, Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại vì các rối loạn do thiếu i-ốt có thể sẽ quay lại Việt Nam. Trừ khi các hành động dự phòng được thực hiện kịp thời, nếu không các rối loạn do thiếu i-ốt có thể xảy ra, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao như Hà Nội, TP.HCM, ĐBSCL, việc tiêu thụ muối i-ốt đã giảm ở mức báo động.

Đại diện UNICEF Việt Nam cũng cho biết, thiếu i-ốt có thể dẫn tới thai lưu, sẩy thai và bướu cổ. Nó cũng góp phần gây ra nhận thức kém, học tập khó khăn ở trẻ em. Có thể thấy rõ rằng đủ i-ốt là nền tảng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ tiếp theo.

Bộ Y tế cho biết, i-ốt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động, sự tăng trưởng và phát triển bình thường của tuyến giáp. Thiếu i-ốt là nguyên nhân quan trọng gây ra tổn thương não và tác động tới khả năng học tập của trẻ, sức khỏe của phụ nữ, chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

"Quan trọng nhất khi thiếu i-ốt là ảnh hưởng đến sự phát triển và trí tuệ của trẻ. Giai đoạn bị ảnh hưởng nhiều nhất là giai đoạn bà mẹ mang thai, và giai đoạn đầu của em bé mới sinh, ảnh hưởng đến sự hình thành hệ thống thần kinh. Nếu thiếu i-ốt nặng sẽ dẫn đến đần độn, nhẹ hơn là đứa trẻ sẽ kém thông minh. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, những vùng thiếu i-ốt trẻ em có chỉ số IQ thấp hơn những vùng trẻ được bổ sung đầy đủ i-ốt" - TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết.

Trước tình trạng thiếu hụt i-ốt, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan đã rà soát, đánh giá thực thi các chính sách luật pháp liên quan đến vấn đề này và đã đề xuất giải pháp bền vững về chính sách, luật pháp để bảo đảm muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt thông qua ban hành Nghị định 09 bởi Chính phủ.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, để bảo đảm duy trì bền vững kết quả của chương trình Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, cần thực thi hiệu quả chính sách muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt. Ngoài ra, thiết lập hệ thống giám sát liên tục và hiệu quả, bao gồm giám sát về mức độ bao phủ muối i-ốt từ nhà máy tới hộ gia đình; tác động của muối i-ốt tới sức khoẻ con người.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục