Thành lập 45 Đội Cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV

icon
07:00 ngày 30/01/2020

VTV.vn - Chiều ngày 30/1, Bộ Y tế đã thành lập 45 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV (gọi tắt là Đội Cơ động).

Theo đó, tại Quyết định số 225/QĐ-BYT ngày 30/1/2019, Bộ Y tế đã thành lập Thành lập 45 Đội Cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trong đó, Cục quản lý Khám, chữa bệnh thành lập Đội Thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gồm 03 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin và tổng hợp báo cáo và Tổ hậu cần do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng làm Đội trưởng.

Các Đội Cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; Thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống bệnh dịch nCoV.

Thành phần của mỗi Đội Cơ động bao gồm:- 01 lãnh đạo bệnh viện; 01 bác sĩ hồi sức cấp cứu; 01 bác sĩ truyền nhiễm; 01 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; 01 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; 01 lái xe.

Mỗi Đội Cơ động được trang bị: 01 xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

Các bệnh viện được chỉ đạo thành lập từ 1 - 2 Đội Cơ động. Đối với các địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 02 Đội Cơ động.

Hiện tình hình bùng phát dịch nCoV trên thế giới diễn nhanh, nghiêm trọng. Việt Nam đã chủ động, có chủ trương, biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia có nhiều nguy cơ dễ lây nhiễm và bùng phát dịch nCoV.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh dịch SARS và các dịch bệnh khác như Mer Cov; Cúm A H1, N1…., tuy nhiên các cán bộ y tế không được chủ quan, cần thận trọng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm và nghi nhiễm dịch nCoV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục