Sốt xuất huyết - Bệnh mùa hè không nên chủ quan

Phạm Xuân, icon
06:09 ngày 07/05/2020

VTV.vn - Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh phát triển, trong đó sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm, dễ lây nếu không được phòng ngừa, điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Ai cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, từ người già đến trẻ em, từ khu vực thành thị đến nông thôn. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp D1, D2, D3, D4. Khi mắc bệnh thì cơ thể có miễn dịch với tuýp virus đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng tất cả tuýp virus khác. Vì vậy, về lý thuyết, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần.

Một số triệu chứng dễ phát hiện khi mắc sốt xuất huyết là sốt cao lên đến 40,5 độ C, nhức đầu nghiêm trọng, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn và ói mửa, phát ban…

Sốt xuất huyết - Bệnh mùa hè không nên chủ quan - Ảnh 1.

Trong 2-3 ngày đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người... Lúc này, triệu chứng sốt xuất huyết dengue giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm. Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu. Nhiệt độ vượt quá 37.5 độ C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý.

Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân hết sốt, xét nghiệm tiểu cầu giảm, có thể gây sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ ở các mức độ khác nhau. Một số bệnh nhân bắt đầu có các chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...

Từ ngày thứ 7, các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.

Sốt xuất huyết - Bệnh mùa hè không nên chủ quan - Ảnh 2.

Cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên Test Dengue (+) dương tính.

Với bệnh sốt xuất huyết, cần lưu ý 3 giai đoạn sau:

1. Giai đoạn sốt: Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu; Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; Chán ăn, buồn nôn; Đau cơ, đau khớp.

2. Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi; Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít; Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).

Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc; Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.

3. Giai đoạn hồi phục: Khoảng 24 - 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48 - 72 giờ; Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều; Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ; Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, cách phòng bệnh tốt nhất là tránh để muỗi đốt thông qua việc ngủ màn; Phun thuốc tiêu diệt muỗi tại phòng làm việc, khuôn viên không để cho muỗi có cơ hội sinh sôi. Nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần theo dõi các dấu hiệu và nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục