Sơ cấp cứu ban đầu - Điều kiện tiên quyết cứu trẻ bị ngạt nước

Lê Thạch, icon
03:24 ngày 11/04/2018

VTV.vn - Ngạt nước nếu không được sơ cấp cứu ban đầu tốt rất dễ gây thiếu oxy não, nếu ngạt quá 4 phút có thể gây tổn thương não, ngạt quá 10 phút có thể tử vong.

Hình chụp phổi trước khi điều trị ngạt nước

Tối ngày 6/4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận 1 trường hợp bé trai Võ Nguyễn M.K. (13 tuổi, trú tại Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM) khi đang ngồi trên ghe cùng với cha, do mất thăng bằng nên té xuống nước khu vực nhiều bùn và không ngoi lên được. Đến lúc cha vớt lên thì em ngưng thở và tím toàn thân. Cha đã hà hơi thổi ngạt được 5 phút thì em tỉnh, tuy nhiên còn tím và khó thở, được đưa ngay đến Bệnh viện huyện Cần Giờ sơ cứu. Em được hỗ trợ thở oxy và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Thời gian từ lúc té ngạt nước đến khi đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 là 4 giờ.

Tại khoa Cấp cứu, em còn thở mệt, tím nhẹ, được hỗ trợ hô hấp bằng thiết bị NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi) và chích kháng sinh mạnh để điều trị viêm phổi hít do sặc nước mặn. Sau 22 giờ điều trị tại khoa Cấp cứu, em tỉnh táo, hồng hào, thở tốt hơn nhưng vẫn cần hỗ trợ thở bằng NCPAP và được nhập vào khoa Hô Hấp 1 để tiếp tục điều trị.

Sơ cấp cứu ban đầu - Điều kiện tiên quyết cứu trẻ bị ngạt nước - Ảnh 1.

Hình chụp phổi sau 3 ngày điều trị

Sau 3 ngày điều trị, hiện tại em đã có thể tự thở bằng khí trời, tỉnh táo, sinh hoạt gần như bình thường, em chỉ còn điều trị chích kháng sinh theo phác đồ viêm phổi hít.

Đây là 1 trường hợp ngạt nước mặn đáp ứng tốt với điều trị, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, điều trị kịp thời, bài bản của đội ngũ nhân viên y tế còn phải kể đến vai trò cực kỳ quan trọng của sơ cấp cứu ban đầu, chính thao tác hà hơi thổi ngạt thật tốt của người cha đã tiếp thêm cơ hội sống cho con mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục