Sản phụ bị tiểu đường khiến thai 38 tuần chết lưu, nguy cơ hôn mê

Tuấn Bảo, icon
06:37 ngày 24/05/2020

VTV.vn - Đây là trường hợp sản phụ 36 tuổi, mang thai lần 2 vừa được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang tiếp nhận điều trị.

Theo thông tin người nhà, từ hơn 1 tháng nay, sản phụ thường xuyên đi tiểu nhiều, hay khát nước và có hiện tượng sút cân rõ rệt không rõ nguyên nhân dù vẫn duy trì chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ dành cho bà bầu. Đến khi không cảm nhận được thai nhi 38 tuần tuổi "đạp" bụng mẹ nữa, sản phụ mới tới bệnh viện để khám.

Qua quá trình kiểm tra sức khoẻ, các bác sĩ nhận thấy: Thai nhi đã chết lưu. Sản phụ được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết và kết quả cho thấy chỉ số đường huyết rất cao 26 mmol/lít. Đây là mức đường huyết nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, đây chính là nguyên nhân khiến cho thai nhi chết lưu.

Nhận thấy đây là một trường hợp phức tạp vì thai nhi đã chết lưu, sản phụ lại từng mổ đẻ cách đây 5 năm, với mức đường huyết cao dễ khiến sản phụ bị hôn mê, tiềm ẩn nguy cơ đờ tử cung và nhất là nguy cơ vỡ tử cung khi chuyển dạ thai lưu vì có vết mổ đẻ cũ. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định điều trị hạ đường huyết bằng cách truyền insulin với liều điều trị khoảng 6 đơn vị/giờ cho tới khi mức đường huyết trở về giới hạn bình thường. Sau đó, tiếp tục theo dõi để cho cuộc chuyển dạ thai lưu diễn ra tự nhiên không can thiệp mổ lấy thai.

Kết quả sau hơn 1 ngày điều trị, sản phụ đẻ thường tự nhiên theo đường âm đạo. Sau đẻ các bác sĩ đã kiểm soát tử cung an toàn và dùng thuốc tăng co ổn định.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiểu đường thai kỳ là "tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai". Tiểu đường thai kỳ để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, làm tăng tỷ lệ bệnh tật ở trẻ sơ sinh, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh và tử vong sơ sinh.

Đối với người mẹ, tiểu đường thai kỳ dễ gây ra các biến chứng trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường như rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, tổn thương mắt, mạch vành. Các biến chứng sản khoa như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, sang chấn trong đẻ, chảy máu sau đẻ, tăng tỷ lệ mổ lấy thai do thai to, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn… và thậm chí là tăng nguy cơ tiểu đường cho những lần có thai sau (với tỷ lệ 30 - 69 % ở những lần có thai kế tiếp).

Đối với thai nhi, tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, khiến thai chậm phát triển, nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh (với tỷ lệ 8 - 13%, cao gấp 2 - 4 lần so với nhóm không bị tiểu đường). Các dị tật thường gặp là tổn thương hệ thần kinh, tim, hệ xương, thận, tiết niệu, làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh (chiếm 20 - 30 %); tăng tỷ lệ suy hô hấp, vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh, đặc biệt thai nhi dễ bị hạ đường huyết và sang chấn khi sinh như gãy xương đòn, trật khớp vai do phát triển quá mức so với tuổi thai.

Để tránh các nguy cơ đối với sản phụ và thai nhi, các bác sĩ khuyến cáo: Phụ nữ mang thai bị tiểu đường cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học kết hợp với thói quen tập luyện hàng ngày để duy trì ổn định lượng đường trong máu. Lập danh sách những thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi bị tiểu đường thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa và bác sĩ dinh dưỡng là việc làm rất cần thiết.

Quan trọng nhất là khi mang thai, các bà mẹ nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu và nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose từ tuần thai thứ 24 - 26 thai kỳ. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp, tiểu đường thai kỳ sẽ không còn là nỗi lo lớn của mỗi người phụ nữ mang thai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục