Quả đào làm đẹp, chữa nhiều bệnh

Theo Sức khỏe và Đời sống, icon
06:00 ngày 09/04/2015

VTV.vn - Đào là một trong những loại quả quí. Không chỉ thế, quả đào còn có tác dụng chữa bệnh cũng như dưỡng nhan sắc.

Ảnh minh họa.

Quả đào còn có tên đào tử, mao đào, đào thực, hồng đào... Tên khoa học: Prunus persica Stokes., họ Hoa hồng (Rosaceae). Đào có hàm lượng cao glucose, sucrose và fructose, chất xơ, protein, lipid, Ca, P, Fe, K, caroten, các sinh tố B1, B2, C, acid nitric. Đặc biệt hàm lượng sắt cao, cần thiết cho phụ nữ và trẻ em thiếu máu do thiếu sắt. Đào chín có nhiều acid hữu cơ và chất xơ có tác dụng kích thích tiết dịch tiêu hóa, làm tăng nhu động dạ dày, ruột, thuận lợi cho tiêu hóa.

Vị chua ngọt, tính ấm; vào can và trường vị nên đào có tác dụng sinh tân nhuận tràng, hoạt huyết tiêu tích. Dùng cho các trường hợp hen suyễn, viêm khí phế quản, cảm nắng, sốt, khát nước (thử nhiệt phiền khát), táo bón, chấn thương đụng giập, các chứng kiết lỵ, bế kinh... Hàng ngày có thể dùng 2 - 6 quả chín tươi hoặc dạng mứt khô.

Dưỡng da, bảo vệ nhan sắc: đào chín hoặc mứt đào khô ăn ngày 1 - 4 trái.

Massage da mặt bằng đào: đào tươi 2 quả gọt vỏ bỏ hạt, xay nhuyễn, ép lấy nước; thêm ít nước cơm, đắp lên da mặt mỗi ngày.

Dùng trợ tiêu hóa, kiện vị, nhuận tràng: đào chín gọt vỏ, thái lát bỏ hạt, dùng đường trắng ướp ăn tráng miệng sau bữa ăn.

Cảm nóng, cảm nắng, mất nước, khát nước: đào chín rửa sạch, gọt vỏ ngày ăn 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 3 quả.

Trường hợp bế kinh, kinh ít, thông kinh: đào chín 2 quả, nhân hạt đào 9g, sirô 30g. Đào gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt, thêm nước chưng cách thủy cho chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 lần.

Người yếu phổi, hen, ra mồ hôi trộm: đào chín 2 - 3 quả, gạo tẻ 60g. Đào rửa sạch, bỏ hạt xay nhuyễn cùng gạo nấu cháo. Khi cháo chín cho bột đào và đường vừa ăn, đun sôi. Ngày ăn 2 lần (sáng và tối).

Người có chứng miệng khô, ít nước bọt, người già hư nhược, phụ nữ và trẻ em thiếu máu do thiếu sắt: đào tươi ngày ăn 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 quả. Công dụng: tăng tiết nước bọt, ích khí, nhuận tràng, hoạt huyết.

Kiêng kỵ: Không nấu với thịt ba ba, rùa, xương truật, bạch truật. Không nên ăn nhiều sinh nhiệt lở ngứa, những người mắc bệnh về nhiệt hạn chế ăn.

Lương y Thảo Nguyên

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục