Phòng bệnh cúm cho phụ nữ mang thai

Mạc Thảo, icon
06:16 ngày 07/02/2023

VTV.vn - Cảm cúm được xem là một bệnh khá nguy hiểm trong thai kỳ, đặc biệt là ở những tháng đầu tiên.

Hình minh họa.

Cúm là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus cúm Influenza gây ra, chia thành 3 type A,B và C. Cúm mùa thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch hằng năm vào thời điểm giao mùa Thu - Đông hoặc Đông - Xuân, bệnh tiến triển lành tính, nhưng những biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai và người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người mang bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn có chứa virus cúm, chúng tấn công hệ hô hấp của người bệnh qua mũi, cổ họng và phổi. Một số triệu chứng điển hình thường gặp của bệnh như: sốt trên 38 độ C, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng…

Khi thời tiết giao mùa hoặc trở lạnh, phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao bị mắc cúm. Nội tiết tố thay đổi, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến sức đề kháng của cơ thể yếu đi nên cơ thể thai phụ thường nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh. Do đó, phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và khi bị cúm thì thường nặng hơn người khác. Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Nhưng với phụ nữ mang thai tình trạng lâu hơn, kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.

Dù là căn bệnh lành tính nhưng những biến chứng của cúm mùa không thể xem nhẹ, nó không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.

Đối với phụ nữ mang thai, thời điểm mắc cúm có ảnh hưởng tới mẹ và bé, nó phụ thuộc vào tuần tuổi thai. Thông thường với trường hợp mắc cúm vào khoảng 3 tháng đầu, yếu tố nguy cơ có thể xảy ra là tăng bất thường về thai hoặc xảy ra các dị tật thai nhi.

Đối với bà mẹ có thể dẫn đến tình trạng đẻ non hoặc tăng nguy cơ dọa sảy thai do các triệu chứng của cúm, đặc biệt là sốt có thể gây ra các tình trạng đó. Đối với phụ nữ mang thai mà không may nhiễm cúm thì điều trị sẽ tập trung vào điều trị triệu chứng. Hầu hết bệnh cúm có thể được theo dõi tại nhà, tuy nhiên khi có các triệu chứng sốt cao, đau mỏi người nhiều và bệnh có xu hướng nặng lên hoặc ho kèm theo có đờm thì nên đến khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.

Đối với những phụ nữ mang thai, khi điều trị tại nhà cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi giữ gìn sức khoẻ. Có thể sử dụng thuốc hạ sốt trong trường hợp bệnh nhân sốt cao từ 38 độ trở lên, vì sốt có thể ảnh hưởng đến cơn co tử cung, dấu hiệu chuyển dạ làm tăng nguy cơ sảy thai và tăng nguy cơ sinh non. Bên cạnh đó, sản phụ có thể sử dụng các thuốc làm giảm nghẹt mũi, giảm chảy nước mũi cũng như các thuốc giảm đau thông thường khác. Ngoài ra trong quá trình mang thai, người phụ nữ bị nhiễm cúm đặc biệt trong 3 tháng đầu có nguy cơ gây ra những bất thường về sự phát triển của em bé. Điều đặc biệt sau đó, sản phụ cần có sự khám thai thường xuyên, làm các sàng lọc để đánh giá sự bất thường về hình thái của thai nhi.

Điều trị cúm mùa có nhiều phương pháp nhưng với tính tiện lợi và hiệu quả cao, các loại thuốc dạng đường uống luôn được nhiều bà mẹ ưu tiên lựa chọn. Đa số các loại thuốc điều trị cúm hiện nay đều đã qua kiểm nghiệm và an toàn với phụ nữ mang thai. Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường đều có thể sử dụng trong điều trị triệu chứng cảm cúm từ nhẹ tới vừa, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo trong một số trường hợp đặc biệt, những thuốc thuộc nhóm chống viêm, corticoid hay aspirin, việc dùng thuốc trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ đều không có lợi cho bà mẹ hoặc em bé. Do đó, phụ nữ mang thai trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì trong điều trị bệnh cần có sự hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có xảy ra.

Bệnh cúm rất khó để phòng tránh vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khả năng đề kháng của mỗi người, tuy nhiên để hạn chế thấp nhất việc mắc bệnh khi thời tiết giao mùa hay trở lạnh cũng như những biến chứng nguy hiểm của bệnh, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khuyến cáo: Nên tiêm phòng cúm trước khi thời điểm phát bệnh xảy ra. Đối với phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai hoặc phụ nữ sau giai đoạn hậu sản có thể tiêm phòng vaccine cúm. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc phòng tránh cúm.

Với những người đang mang thai nên hạn chế tiếp xúc với người thân nghi ngờ hoặc đang điều trị cúm vì cúm là bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi mình tiếp xúc, nói chuyện hoặc hắt hơi. Bên cạnh đó, đối với phụ nữ mang thai, việc nâng cao thể trạng chăm sóc sức khỏe thai kì và chăm sóc sức khỏe nói chung là đặc biệt quan trọng. Nên có chế độ ăn, uống hợp lý, bổ sung các vi chất cũng như các nhóm vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm C có thể giúp tăng đề kháng, bổ sung miễn dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục