Nỗi khổ của nam thanh niên mới 22 tuổi đã bị gù nặng

P.V, icon
11:27 ngày 21/08/2019

VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân P.V.D. (22 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng cột sống bị biến dạng rất lớn.

Chấp nhận biến dạng đó trong thời gian dài, tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng. Mặc dù đã điều trị nội khoa nhiều năm. Với biến dạng gù nặng cột sống làm gập cả thân mình, bệnh nhân đi khuỳnh chân, mắt không nhìn được xa, chỉ nhìn thẳng xuống đất,  gây khó khăn lớn cho vận động.

Việc gù nặng ngoài ảnh hưởng đến vận động còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, tiêu hóa của bệnh nhân do cột sống gù gập chèn ép lồng ngực và ổ bụng. Bệnh nhân hay bị đầy bụng, ăn khó tiêu, đau tức ngực, thi thoảng khó thở.

Theo các bác sĩ, trường hợp này nếu không được nắn chỉnh lại cột sống sẽ dễ dẫn đến suy hô hấp do tim, phổi bị chèn ép, vận động hạn chế... ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù bằng kỹ thuật mới, đó là sử dụng 4 thanh rod thay vì sử dụng 2 thanh rod như trước. Ekip phẫu thuật đã cắt một phần đốt sống L3 để nắn chỉnh biến dạng cột sống trong 5 giờ phẫu thuật.

Sau mổ, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Cột sống được ưỡn trở lại, lồng ngực hết chèn ép nên bệnh nhân dễ thở, hết đau tức ngực, vận động dễ dàng, khi đi không phải cúi gằm xuống vì mắt đã nhìn được xa. Mặc dù vẫn phải theo dõi lâu dài nhưng chất lượng cuộc sống cải thiện đã mang đến niềm vui và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho bệnh nhân.

Các bác sĩ cho biết: Viêm cột sống dính khớp là bênh lý viêm và cốt hóa các khớp và các dây chằng của cột sống. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh. Phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù do viêm cột sống dính khớp thực sự là một thách thức lớn do tình trạng cứng, chắc của cột sống, khó tính toán mức độ biến dạng cần nắn chỉnh và vị trí can thiệp vào cột sống để đạt được kết quả tốt.

Bệnh nhân có mức độ gù lớn không thể nhìn thẳng được. Để nhìn đường khi đi bộ, người bệnh phải ngửa cổ, gấp khớp háng và khớp gối. Người bệnh tự ti về dáng vẻ bề ngoài của mình. Phẫu thuật nhằm mục đích cải thiện tầm nhìn thẳng, giúp người bệnh dễ dàng khi đi lại và tự tin hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục