Những lưu ý khi vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

Lê Thạch, icon
08:36 ngày 28/02/2019

VTV.vn - Khi trẻ chào đời, dây rốn không cần duy trì nhiệm vụ của mình nữa và sẽ được các bác sĩ cắt bỏ như một "thủ tục" đánh dấu sự chào đời của bé.

Hình minh họa.

Từ một dây rốn có độ dài trong khoảng 20 - 60 cm, dây rốn của trẻ sau khi chào đời sẽ chỉ còn khoảng 4 - 5 cm. Thông thường, thời gian chờ rốn khô và rụng hẳn sẽ kéo dài từ 7 - 21 ngày.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, vì cuống rốn của trẻ là một vết thương hở nên nếu không được chăm sóc đúng cách thì khả năng nhiễm trùng sẽ rất cao. Trẻ bị nhiễm trùng rốn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

- Trước khi vệ sinh rốn cho trẻ, nên vệ sinh và sát trùng tay sạch sẽ.

- Tháo băng rốn (nếu có) và quan sát xem có bất cứ điều gì bất thường không, chẳng hạn như rốn có mùi lạ, có dịch mủ, có sưng đỏ hay có chảy máu không.

- Dùng bông tăng thấm nước sôi để nguội nhẹ nhàng lau sạch vùng rốn cho bé theo trình tự từ chân rốn, thân cuống rốn rồi mới tới bề mặt cuống rốn. Tiếp tục lấy bông tắm thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn của trẻ. Lưu ý nên thay bông tăm sau mỗi lần sát trùng cho bé.

- Dùng cồn 70 độ sát trùng vùng da xung quanh rốn của trẻ.

- Thực tế, các bé sơ sinh không cần phải dùng băng rốn như cách nhiều mẹ vẫn làm, nhưng nếu cảm thấy việc băng rốn làm mẹ an tâm hơn, hãy tiến hành với một miếng gạc mỏng.

Nên quấn tã dưới rốn của trẻ, tránh để phân và nước tiểu của con dính lên vùng rốn

Sai lầm thường gặp khi vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

- Băng rốn quá chặt, quá kín: Trái với suy nghĩ của nhiều mẹ, việc băng chặt, băng kín không giúp bảo vệ rốn cho bé mà lại tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.

- Tự ý giật núm rốn "trước thời hạn": Việc rốn tự khô và rụng là quá trình tự nhiên và không cần sự can thiệp của mẹ. Giật, kéo cuống rốn của bé khi rốn chưa đủ "chín" có thể gây đau, chảy máu và nhiễm trùng.

- Cho bé ngâm mình trong nước: Với những bé chưa rụng rốn, khi tắm cho trẻ, mẹ nên hạn chế không để rốn của bé bị ướt, tránh kéo dài thời gian rụng rốn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn.

- Bôi thuốc lạ lên rốn cho trẻ: Theo kinh nghiệm dân gian, đắp lá, đắp á phiện, bột tiêu… có thể giúp cuống rốn mau khô, nhanh rụng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Theo các chuyên gia y tế, mẹ nên để rốn của trẻ khô tự nhiên, không nên bôi, đắp bất cứ thứ gì lên rốn của bé để tránh tình trạng nhiễm trùng và để lại nhiều di chứng nguy hiểm cho trẻ.

Xử trí khi bé bị nhiễm trùng rốn

Khi quan sát cuống rốn của trẻ có những hiện tượng bất thường như có mùi hôi, có dịch vàng, có mủ, bi sưng đỏ… nghĩa là trẻ đang có dấu hiệu viêm rốn. Trong trường hợp này, mẹ có thể sử dụng bông tăm thấm cồn 35 độ để lau sạch lỗ rốn, rồi dùng cồn 3% để lau sạch phần mủ và dịch tiết ra.

Nếu mặt ngoài rốn đã đóng vảy nhưng vẫn tiết dịch mủ, mẹ có thể dùng bông thấm Nitrofurazone 0,1 % đắp rốn cho bé 3 - 4 lần mỗi ngày. Với những trường hợp nặng, chảy mủ kéo dài, bé khóc quấy liên tục, sốt cao, mệt mỏi… mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện ngay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục