Những điều cần lưu ý về viêm đại tràng co thắt

Thảo Vi, icon
02:07 ngày 16/01/2019

VTV.vn - Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có 4 triệu người mắc bệnh đại tràng mãn tính. Đây là con số đáng báo động và cần được quan tâm của tát cả mọi người.

Viêm đại tràng (viêm đại tràng co thắt) là bệnh lý thường gặp về hệ tiêu hoá, đây là căn bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây ra những phiền toái trong sinh hoạt và trong công việc của người bệnh. Việc điều trị viêm đại tràng gặp nhiều khó khăn vì bệnh kéo dài dai dẳng và dễ tái phát.

Theo thông kê, ở Việt Nam hiện nay có 4 triệu người mắc bệnh đại tràng mãn tính. Con số này cao gấp 4 lần con số mắc bệnh trung bình trên toàn cầu và lớn hơn tổng lượng người mắc bệnh của toàn Châu Âu.

Nhiều người mắc bệnh viêm đại tràng co thắt kéo dài từ 1 đến nhiều tuần. Nhưng có nhiều người biết mình bị bệnh khi bệnh khởi phát đột ngột. Vì vậy, người mắc bệnh viêm đại tràng, đại tràng co thắt nếu không được khám, tư vấn và điều trị kịp thời các triệu chứng bệnh sẽ tái phát liên tục chuyển thành bệnh mãn tính. Điều này không chỉ làm nguy hiểm đến tính mạng mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Những điều cần lưu ý về viêm đại tràng co thắt - Ảnh 1.

Nguyên nhân gây nên bệnh viêm đại tràng co thắt rất đa dạng:

- Do viêm đường ruột bởi ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh (ví dụ như trong thức ăn có vi khuẩn thương hàn gây bệnh, vi khuẩn lỵ hoặc lỵ amíp);

- Do rối loạn nhu động ruột; do dùng quá nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn (phân thường xuyên sống, lúc lỏng lúc sền sệt, lúc rắn...);

- Do rối loạn tâm thần, sang chấn tâm thần...

- Một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến cơn đau của viêm đại tràng co thắt xuất hiện: thần kinh căng thẳng, stress, uống rượu, bia, ăn chua cay...

Những đối tượng dễ mắc bệnh viêm đại tràng co thắt:

- Thuộc độ tuổi từ 30 - 40 tuổi.

- Phái nữ mắc bệnh chiếm 70% và phái nam 30%.

Những điều cần lưu ý về viêm đại tràng co thắt - Ảnh 2.

Để phát hiện và phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn cần nắm được những dấu hiệu dưới đây:

- Rối loạn đại tiện: Người bệnh thay đổi số lần đại tiện trong ngày, phân lỏng hoặc táo bón xen kẽ với phân bình thường. Tái phát nhiều lần, phân thường có dấu hiệu đầu rắn, đuôi nát. Bên cạnh đó, người bệnh có cảm giác đi ngoài không hết phân, đi ngoài xong lại muốn đi tiếp lần nữa.

- Đau bụng: Cơn đau bụng sẽ giảm khi đi trung tiện, tăng lên khi táo bón. Người bệnh có thể đau sau khi ăn, khi ăn no, đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, thức ăn chua, cay, lạnh.

- Bụng căng chướng hơi, mềm: Khi mắc viêm đại tràng co thắt, người bệnh thường có triệu chứng căng bụng, chướng hơi, mềm, ợ hơi, nhưng không có dấu hiệu đặc biệt khi thăm khám. Chính những triệu chứng này, khiến nhiều người nhầm lẫn bệnh viêm đại tràng co thắt với bệnh dạ dày.

- Phân có lẫn chất nhầy kèm theo mùi hôi khó chịu.

- Yếu tố thần kinh: Các yếu tố thần kinh như lo lắng, căng thẳng, stress khiến các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng co thắt có thể tăng nặng hơn.

- Một số triệu chứng khác ngoài tiêu hóa: Ngoài các triệu chứng trên, người viêm đại tràng co thắt có thể gặp một số triệu chứng khác như: Nhức đầu, đau đầu, khó ngủ, mệt mỏi, hồi hộp, tim đập nhanh.

Những điều cần lưu ý về viêm đại tràng co thắt - Ảnh 3.

Một số lưu ý trong chế độ ăn uống người bệnh cần lưu ý:

Khi mắc bệnh viêm đại tràng, đại tràng co thắt người bệnh cần có một chế độ ăn uống khoa học, không nên kiêng khem quá mà cần có sự chọn lọc.

- Nên ăn thực phẩm giàu đạm như: thịt nạc xay, thịt gia cầm, đậu phụ, giá đỗ. Đặc biệt là các thực phẩm xanh giàu đạm thực vật như: sữa đậu nành, các loại sữa tách béo. Đây là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu hoá.

- Ngoài ra nên bổ sung các loại rau xanh chứa nhiều vitamin như rau ngót, rau muống, rau cải có tác dụng nhuận tràng rất tốt, có tác dụng giúp người bệnh giảm được đau đớn khi đi vệ sinh.

- Đối với những trường hợp bị táo bón, bệnh nhân nên ăn nhiều rau củ chứa nhiều chất xơ dễ hòa tan, dễ tiêu hóa như: chuối, bơ, khoai lang, khoai tây, rau mùng tơi, rau đay, bí đỏ, đậu đỏ hay đậu đen.

- Khi bị tiêu chảy, phân có mùi chua nên hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như: dưa cà muối, sữa chua, ...

- Đặc biệt, người bệnh nên uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày, đồng thời bổ sung các loại nước uống lành mạnh như sinh tố, nước ép rau quả.

- Ngoài ra, người bệnh không nên ăn các món lạ, không bỏ bữa, không ăn quá nhiều một bữa gây quá tải cho hệ tiêu hóa và dễ đầy bụng, chướng hơi và dễ bị đi ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục