Những bệnh lây qua đường hô hấp của trẻ và cách phòng tránh

Tuấn Bảo, icon
07:19 ngày 29/08/2018

VTV.vn - Bệnh lây qua đường hô hấp là do vi khuẩn từ người bệnh theo đường không khí như ho, hắt hơi, nói chuyện... gây bệnh cho người xung quanh.

Trẻ mắc sởi.

Đây là một trong những đường truyền bệnh nhanh nhất và có sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng, khiến bệnh có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch, làm nhiều người mắc cùng một lúc nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Đặc biệt là ở trẻ em, khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng còn non yếu là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

Dưới đây là một số bệnh lây qua đường hô hấp mà trẻ hay mắc và cách phòng bệnh.

Bệnh cảm cúm

Đây là bệnh cấp tính do virus có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp, bệnh thường xảy ra quanh năm, song dễ mắc nhất vào đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Các triệu chứng của cảm cúm xuất hiện sau 1-3 ngày nhiễm virus bao gồm sốt, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, đau nhức cơ...

Khi bé bị sốt cao, cần cho bé uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời lau cơ thể bé bằng nước ấm để hạ sốt, chú ý lau vùng cổ, hai bên nách và vùng bẹn của bé. Tuyệt đối không được dùng nước đá chườm cho bé, vì nhiệt độ thấp sẽ khiến các mạch máu của bé bị co lại. Tăng cường các cữ bú trong ngày hoặc cho bé dùng thêm nước đun sôi để nguội để bù vào lượng nước đã mất.

Với bé ở độ tuổi ăn dặm, cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với những loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa và uống thêm nước hoa quả, nước cháo, nước canh, ăn các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin C giúp bé tăng cường sức đề kháng và mau khỏi cúm.

Bệnh tay chân miệng

Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), có trường hợp sốt cao hơn, đau họng, sổ mũi tương tự như viêm hô hấp trên. Đôi khi trẻ có nôn mửa, rất mệt, quấy khóc. Các biểu hiện này diễn ra chỉ trong vài ba ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước có kích thước nhỏ khoảng vài ba milimet nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng nhanh chóng bị vỡ và tạo ra các vết loét gây đau đớn cho trẻ, nhất là khi ăn, uống, nuốt nước bọt. Các mụn nước, bọng nước màu xám, hình bầu dục cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Ngoài ra, các mụn nước còn xuất hiện ở đầu gối, mông của trẻ. Bệnh lây rất nhanh, dễ lan thành dịch. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não, viêm phổi, viêm phù phổi, viêm cơ tim cấp và có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh sởi

Các triệu chứng ban đầu thường là sốt, chảy nước mũi, ho sau đó phát ban toàn thân. Bệnh dễ bùng phát thành dịch, nếu không được chữa trị, người bệnh có thể bị biến chứng vào phổi và một số cơ quan khác.

Để phòng bệnh lây qua đường hô hấp cho trẻ cần cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Đây được coi là biện pháp hiệu quả nhằm giúp trẻ tạo miễn dịch khi tiếp xúc với mầm bệnh. Luôn vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, cho trẻ ngủ trong màn, phòng tránh muỗi đốt; thực hiện ăn chín uống sôi... Đồng thời, khi nhận thấy các dấu hiệu khác lạ ở trẻ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục