Nhiễm HPV - Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung

Lê Thạch, icon
09:50 ngày 21/08/2018

VTV.vn - Là một phụ nữ khỏe mạnh, đã sinh con 2 lần, gần đây thấy ra máu âm đạo 7 ngày, chị Nguyễn Thị H. (37 tuổi, trú tại Hưng Yên) phát hiện bị ung thư cổ tử cung.

Hình minh họa (Ảnh: Everydayhealth)

Ung thư cổ tử cung - nguyên nhân gây bệnh

Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ có khuyến cáo: nên làm xét nghiệm Pap smear, HPV: 3 năm sau lần giao hợp đầu tiên. Lần tầm soát tiếp theo sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

HPV (Human Papilloma) là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết, các trường hợp nhiễm HPV không gây triệu chứng và có thể tự khỏi, sau khi nhiễm vài tháng đến 1 năm mà không cần điều trị.

HPV lây truyền qua tiếp xúc da qua da, đặc biệt là quan hệ tình dục. Vì vậy, hầu như phụ nữ nào có sinh hoạt tình dục đều có thể nhiễm HPV. Tuy nhiên, từ quá trình lây nhiễm đến diễn biến ung thư cổ tử cung mất 10-15 năm. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng người ta tìm thấy 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hầu như không có các triệu chứng. Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường như chảy máu âm đạo, đau lưng, đi tiểu bị đau hoặc khó khăn và nước tiểu đục thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Dấu hiệu và chẩn đoán bệnh

Như trường hợp chị Nguyễn Thị H., vốn khỏe mạnh, có 2 con sinh thường, kinh nguyệt đều. Tuy nhiên, chị có ra máu âm đạo bất thường 7 ngày nay nên đi khám ở một phòng khám tư và điều trị viêm cổ tử cung nhưng không đỡ. Do thấy đau tức hạ vị, ra máu âm đạo nhiều hơn nên đến Bệnh viện đa khoa MEDLATEC khám thì chị bất ngờ với kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Phương - chuyên khoa Sản phụ cho biết: qua thăm khám, phát hiện cổ tử cung phì đại, lộ tuyến diện rộng, trên nền lộ tuyến có nhiều đám mủn nát, tăng sinh mạch, dễ chảy máu. Vì vậy, bệnh nhân được chỉ định làm sinh thiết. Kết quả sinh thiết: ung thư biểu mô vảy xâm nhập, độ mô học II, HPV dương tính với type 16. Chẩn đoán: bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung và được tư vấn nhập Bệnh viện Phụ Sản Trung ương điều trị.

Như vậy, với trường hợp của chị H., cho thấy rõ có đầy đủ các yếu tố của bệnh ung thư cổ tử cung như ra máu âm đạo bất thường, dương tính với HPV type 16.

Bác sĩ Phương nhấn mạnh: Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở nữ giới, nhưng hoàn toàn có thể dự phòng, phát hiện sớm qua tầm soát, kiểm tra hàng năm. Nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì cơ hội sống sau 5 năm lên tới 90%. Tuy nhiên, nếu phát hiện ở giai đoạn 4 cơ hội sống sau 5 năm chỉ còn khoảng 10%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục