Nhận biết và phòng tật khúc xạ cho trẻ

P.V, icon
10:11 ngày 26/07/2019

VTV.vn - Dấu hiệu của tật khúc xạ ở trẻ đôi khi không rõ ràng khiến cho nhiều người chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 10 - 15% trẻ em ở độ tuổi 6 - 5 tuổi sinh sống tại nông thôn, còn ở khu vực thành thị, con số này lên đến 20 - 40%.

Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Đại học Y Hà Nội, ở người trẻ có 3 tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị. Tật khúc xạ cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở độ tuổi học đường, nhưng lại không được quan tâm đúng mực. Tại Hà Nội, có đến 50% học sinh trung học phổ thông bị cận thị, riêng học sinh lớp 12 là khoảng 55%.

Những dấu hiệu của tật khúc xạ có thể là xem tivi hay sách báo phải lại gần mới thấy, học sinh ngồi học không đọc được chữ, hay nheo mắt khi nhìn, kết quả học tập, lao động giảm

Do vậy, để phòng tránh tật khúc xạ, bác sĩ Vũ Tuấn Anh khuyến cáo: cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm.

Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp trung học cơ sở và 35cm với học sinh trung học phổ thông.

Trẻ cần ngủ đủ 8 - 10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây và được khám mắt định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có các biểu hiện bất thường về mắt tại các bệnh viện chuyên khoa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục