Người phụ nữ có sỏi san hô rải rác khắp thận, nhiều bệnh viện "từ chối" phẫu thuật

Văn Thành, icon
08:51 ngày 25/04/2021

VTV.vn - Chỉ còn lại thận trái, người phụ nữ này nhập viện vì ứ mủ thận, nhiễm trùng nhưng nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật do có nhiều nguy cơ cao.

Bệnh nhân chỉ còn thận trái nhưng có nhiều sỏi san hô. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.T.T. (63 tuổi, trú tại Hà Nam) cho biết: Hơn 10 năm trước, bà đã mổ sỏi niệu quản bên phải, sau đó bị hẹp niệu quản và hậu quả là teo mất thận bên phải. Bây giờ, bà chỉ còn quả thận bên trái, lại có nhiều sỏi san hô rải rác khắp thận, từng bị nhiễm trùng thận nhiều lần.

Bệnh nhân đã đến nhiều bệnh viện để thăm khám và điều trị nhưng các bác sĩ đều khuyên "sống chung" cùng sỏi. Lần này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao do nhiễm trùng và ứ mủ thận phải dẫn lưu nhưng bác sĩ "từ chối" phẫu thuật do có nhiều nguy cơ cao.

BSCKII. Trịnh Minh Thanh - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ trực tiếp điều trị và thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ: Ca bệnh này đặc biệt ở chỗ, bệnh nhân chỉ còn duy nhất 1 thận có chức năng và thận này có nhiều viên sỏi san hô rải rác khắp thận. Để phẫu thuật lấy sỏi trong trường hợp này là rất nhiều rủi ro, thậm chí bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nặng như chảy máu, sốc nhiễm trùng niệu và có thể tử vong rất nhanh nếu không theo dõi và xử lý kịp thời.

Người phụ nữ có sỏi san hô rải rác khắp thận, nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật tán sỏi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Thanh, ca bệnh này, các bệnh viện khác đều "từ chối" phẫu thuật. Về phía gia đình bệnh nhân, yêu cầu giữ được quả thận mà vẫn phải đảm bảo an toàn.

Khi đón nhận bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai, trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, sỏi sẽ được tán vụn hoặc thành các mảnh nhỏ và được hút ra ngoài.

Ngày 23/4, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật và sau 2 tiếng, ca mổ đã thành công. Ngay sau mổ, bệnh nhân tỉnh mê và đã nói chuyện được bình thường.

Người phụ nữ có sỏi san hô rải rác khắp thận, nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật - Ảnh 2.

Bệnh nhân được theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được theo dõi 2 biến chứng rất dễ có thể xảy ra là biến chứng chảy máu và biến chứng nhiễm trùng. Sau 24 giờ theo dõi sát sao, hiện bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nước tiểu trong, có thể nói chuyện và ăn uống bình thường và đặc biệt không có dấu hiệu của biến chứng.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật tán sỏi qua da là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu chỉ dùng đường hầm nhỏ, đường rạch da 6 mm. Các bác sĩ sẽ dùng kim chọc dò dưới hướng dẫn của siêu âm, sau đó nong rộng đường hầm đến 6 mm đưa ống kính nội soi nhìn trực tiếp và dùng nguồn năng lượng Laser để tán vụn sỏi và lấy qua đường hầm. Sau tán, kiểm tra sạch sỏi, bệnh nhân được đặt sonde JJ niệu quản và sonde dẫn lưu thận.

Vì là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân ít đau (hoặc không đau), ít mất máu, không phải truyền máu trong quá trình mổ. Sau 2 - 3 ngày, bệnh nhân có thể được rút sonde thận và ra viện. Bệnh nhân không phải cắt chỉ, hầu như không có sẹo. Sau 1 tuần, bệnh nhân có thể hoạt động như bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục