Ngăn dịch bệnh tấn công trường học

Đức Thành, icon
01:22 ngày 19/04/2024

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương đã xuất hiện 4 ổ dịch thủy đậu với 170 ca mắc, chủ yếu ở 4 ổ dịch tại các trường học.

Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng nơi xuất hiện ổ dịch thủy đậu với 8 học sinh mắc.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay, TP. Hải Dương đã liên tiếp xuất hiện 2 ổ dịch thủy đậu ở trường học, trong đó ổ dịch Trường Tiểu học xã Gia Xuyên có số ca mắc cao nhất. 

Trước đó, vào ngày 3/4, ca bệnh đầu tiên được xác định là nam học sinh lớp 3B, ở thôn Tranh Đấu với các biểu hiện sốt, mệt mỏi. Ngày 4/4, học sinh này xuất hiện các ban dạng phỏng nước toàn thân, được Trạm Y tế xã khám, chẩn đoán mắc thủy đậu.

Đến ngày 12/4, toàn trường ghi nhận 53 học sinh mắc bệnh được cách ly tại nhà, tập trung chủ yếu ở khối 2 và 3 và hiện đã có 3 em khỏi bệnh. Trong số học sinh mắc bệnh, có tới 40 em chưa tiêm vaccine, số còn lại mới tiêm vaccine mũi 1. Trường Tiểu học xã Gia Xuyên có 839 học sinh ở 25 lớp.

Đối với ổ dịch Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng, TP Hải Dương, ngày 12/4 ghi nhận 8 học sinh, trong đó lớp 5A có tới 7 học sinh mắc.

Cùng với 2 ổ dịch trên, còn ghi nhận thêm 2 ổ dịch tại Trường Tiểu học xã Thanh Lang (huyện Thanh Hà) và Trường Tiểu học xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc).

ThS.BS Nguyễn Văn Hinh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh thủy đậu, CDC tỉnh Hải Dương đã tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản về phòng chống dịch bệnh thủy đậu đến tất cả các cơ quan đơn vị, đặc biệt là các cơ sở giáo dục trong khi thời tiết đang giao mùa. CDC tỉnh Hải Dương cũng khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên bệnh nhân mắc thủy đậu cần được cách ly, giữ khoảng cách phù hợp để tránh lây cho các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng.

Cùng với bệnh thủy đậu, một số bệnh truyền nhiễm khác cũng có nguy cơ xuất hiện tại các trường học như sởi, cúm, tay chân miệng… Cuối tháng 3, ghi nhận chùm ca bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non xã Thanh Xá (huyện Thanh Hà) với 4 trẻ mắc và đã được cách ly điều trị. Việc xử lý môi trường và vệ sinh lớp học đã được Trung tâm Y tế huyện, nhà trường đã thực hiện thường xuyên nên dịch đã được kiểm soát tốt, nhiều ngày qua không ghi nhận ca mắc mới. 

Từ đầu tháng 4 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 48 ca tay chân miệng nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 88 ca mắc, tăng 41 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Đối với bệnh cúm từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 1.422 người mắc điều trị tại các cơ sở y tế…

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tránh để dịch xuất hiện và lan rộng trong các cơ sở giáo dục, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế, ngành giáo dục, mỗi bậc phụ huynh cần giám sát, theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên, khi có biểu hiện bất thường cần đến các cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp điều trị cách ly. Thực hiện tiêm phòng cho trẻ đúng lịch, đúng mũi theo hướng dẫn của ngành y tế…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục