Làm thế nào để sớm phát hiện ung thư phổi?

Tuấn Bảo, icon
08:49 ngày 30/08/2018

VTV.vn - Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư không có triệu chứng rõ ràng để có thể nghĩ đến khả năng có thể bị mắc căn bệnh này.

Hình minh họa (Ảnh: doctorulzilei).

Theo TS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt, ung thư phổi ở người trẻ rất khó phát hiện sớm dựa vào những triệu chứng thông thường. Triệu chứng ban đầu chỉ là ho đơn thuần, người trẻ không thấy ho nhiều quá, chỉ nghĩ ho do dị ứng, viêm họng và không đi khám. Đột nhiên sút cân cũng là triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi. Đa phần người trẻ khi có triệu chứng chỉ nghĩ đến những bệnh lành tính như viêm phổi, đau ngực, đau thần kinh liên sườn, chứ không nghĩ đến căn bệnh ác tính ung thư.

Bác sĩ Chân cũng nhấn mạnh: nhiều triệu chứng của ung thư phổi mới đầu rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm.

Theo bác sĩ, ung thư phổi giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng nhưng khi ung thư phổi phát triển, các triệu chứng thông thường có thể bao gồm:

- Ho dai dẳng và liên tục.

- Đau ở lưng, ngực và vai. Tuy nhiên, triệu chứng ung thư phổi ở mỗi người lại có cảm nhận cơn đau khác nhau, nhất là trong những lúc ho.

- Thay đổi về lượng và màu sắc của đờm.

- Khó thở.

- Giọng nói thay đổi, trở nên khàn khàn.

- Nói khó khăn qua từng hơi thở.

- Ho ra máu.

- Mất cảm giác ngon miệng, giảm cân và liên tục mệt mỏi.

- Đau xương và khớp, sưng ở cổ và mặt.

- Dễ bị chảy máu.

Nên tầm soát ung thư phổi như thế nào?

Tầm soát ung thư phổi phải đúng cách mới có hiệu quả. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên chụp CTscan ngực liều thấp mỗi năm. Đối với những người có nguy cơ trung bình thì nên chụp CTscan liều thấp 3 đến 5 năm một lần. Trong trường hợp bệnh nhân gặp bất thường sẽ chụp CTscan ngực liều cao và đồng thời soi phế quản và sinh thiết tế bào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục