Kịp thời điều trị lao cột sống giúp người đàn ông thoát nguy cơ liệt chân

P.V, icon
06:10 ngày 26/12/2023

VTV.vn - Lao cột sống là một trong những căn bệnh có thể gây liệt, tàn phế, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân N.V.V. (sinh năm 1982, trú tại Phường 5, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang điều trị lao phổi được 4 ngày tại một cơ sở y tế khác trên địa bàn TP. Vũng Tàu thì bị bí tiểu, sốt cao liên tục, yếu 2 chi dưới. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu.

Sau khi tiếp nhận, bác sĩ đã tiến hành khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh thấy tổn thương đốt sống và áp xe cơ thắt lưng chậu phải kèm vài ổ hủy xương cánh chậu phải và xương cùng phải. Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp và Khoa Truyền nhiễm đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị lao cột sống.

Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật dẫn lưu, sau đó bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại Khoa Truyền Nhiễm. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, hết sốt, đi lại sinh hoạt cá nhân bình thường và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Theo các bác sĩ, lao cột sống do lao là một dạng bệnh lý ngoài lao phổi, thường gặp ở hệ vận động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 1/3 dân số thế giới phơi nhiễm với vi trùng lao, gần 10% bệnh nhân nhiễm lao bị lao xương khớp, trong đó lao cột sống chiếm 50%. Bệnh thường diễn tiến chậm, âm thầm và khởi phát với những triệu chứng đau cột sống âm ỉ, tăng dần về chiều và đêm, gù, đi lại khó khăn, teo chân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các ổ áp xe do lao có thể vỡ vào ống sống gây nên biến chứng liệt hai chi dưới, rối loạn tiêu, tiểu.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao cột sống, lao xương là người từ 20 - 40 tuổi, người có tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hay các nguồn lây lao khác, nguy cơ tăng lên khi tiếp xúc thường xuyên, liên tục; có tiền sử lao trước đó; trẻ nhỏ chưa tiêm phòng vaccine BCG và người có các bệnh lý như đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng…

Để phòng ngừa bệnh lao nói chung và lao cột sống, lao xương khớp hiệu quả cần phải chích ngừa BCG theo quy định, khi có triệu chứng ho, sút cân, sốt về chiều cần đi khám chụp X-quang phổi làm xét nghiệm đờm để có chẩn đoán xác định. Người bệnh được chẩn đoán lao phải tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục