Không tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ

Mai Liên, icon
02:01 ngày 10/09/2023

VTV.vn - Trong những ngày qua, các bệnh viện tại tỉnh Đồng Nai tiếp nhận khá nhiều người dân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc).

Người lớn và trẻ em đều bị

Thấy đôi mắt của con chị bị sưng đỏ, đổ ghèn, chị Hoàng Thị Thanh ngụ phường Trảng Dài. TP Biên Hòa đã mua nước muối sinh lý nhỏ mắt liên tục cho con, nhưng bệnh không có dấu hiệu giảm mà ngày càng nặng hơn. Do vậy, chị phải cho con nghỉ học để đưa đi khám mắt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị viêm kết mạc. Cũng theo chị Thanh, đến nay cả nhà chị gồm 2 con và 2 vợ chồng đều bị đau mắt với những triệu chứng như trên.

ThS.BS Phạm Ngọc Hạnh, Khoa Mắt – Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, thời điểm này bệnh viện thường xuyên tiếp nhận cả trẻ em và người lớn bị bệnh đau mắt đỏ. Đặc biệt từ cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9, mỗi ngày Khoa Mắt bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân bị đau mắt gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Nhiều trẻ được đưa đến khám có xuất hiện giả mạc.

Theo BS Hạnh, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên với triệu chứng thường gặp là đỏ mắt. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụi… Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh. Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy.

Đa phần người bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nếu không được điều trị hoặc điều trị trễ thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực.

Không tự ý điều trị

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh ít để lại di chứng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khỏi bệnh, dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc.

Khi có các biểu hiện đau mắt đỏ, người bệnh nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Khi người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng.

"Tuyệt đối không sử dụng những biện pháp dân gian như dùng lá trầu không, lá dâu tằm hơ nóng đắp lên mặt hoặc một số bà mẹ dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh… Những biện pháp này sẽ làm bệnh nặng và có những biến chứng vô cùng nguy hiểm làm cho mắt dễ bội nhiễm gây viêm loét giác mạc do nấm, đây là bệnh rất nặng phải điều trị thời gian dài rất tốn kém, gây giảm thị lực rất nhiều" - BS Hạnh khuyến cáo.

Hiện nay, thời tiết với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa Hè - Thu. Để chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, theo BS Hạnh, người dân cần thực hiện các biện pháp đơn giản nhất nhưng hiệu quả là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Khi bị đau mắt đỏ không nên đi hồ bơi.

Tại trường học, cơ quan, gia đình... cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục