Không nên cấp tập tiêm 2 mũi phòng sởi

Theo Dân Việt, icon
06:33 ngày 25/04/2014

Sau khi tiêm sởi, trẻ đã có miễn dịch phòng bệnh. Mũi 2 là để củng cố miễn dịch cho trẻ, tuy nhiên, phải được thực hiện đúng thời gian theo khuyến cáo của nhà sản xuất và chuyên gia y tế.

Ảnh minh họa.

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo quy định, sau khi tiêm vaccine 3 trong 1 (phòng sởi – quai bị - rubella) thì khoảng 2-3 năm sau phụ huynh mới cần đưa con đi tiêm lại mũi 2 để củng cố miễn dịch cho trẻ. Vì thế, cha mẹ không nên lo lắng và tiếp tục đưa con đi tiêm chủng ngừa sởi mà đợi đúng lịch để đi tiêm cho trẻ.

Còn với những trẻ đã tiêm sởi mũi 1 thì đã đạt tỷ lệ miễn dịch tới 85%. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên tránh cho cháu tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh và tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Nhiều cha mẹ khi thấy con sốt hoặc mẩn ngứa là nghĩ ngay tới bệnh sởi. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, có rất nhiều bệnh có các biểu hiện như: sốt, chảy mũi, mẩn ngứa, nổi ban đỏ. Nếu chỉ có các dấu hiệu như vậy thì chưa khẳng định được trẻ có bị lên sởi hay không.

Đặc trưng dấu hiệu của bệnh sởi là sốt cao, ho nhiều, chảy nước mũi, đau mắt đỏ và kèm nhèm. Sau 3-4 ngày sốt thì cơ thể bắt đầu nổi ban đỏ từ mặt, xuống cổ và chân tay, sờ gợn tay. Nếu cháu vừa sốt đã nổi mẩn ngay thì không khẳng định là sởi. Muốn chắc chắn trẻ bị bệnh gì thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế tuyến đầu (xã, phường hoặc huyện) để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Cùng chuyên mục