Không chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi trời lạnh

Phương Hiền, Hồng Tấm, icon
07:55 ngày 24/11/2023

VTV.vn - Thời tiết chuyển lạnh gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp. Vì vậy, nếu không biết cách điều trị và dự phòng bệnh thì nguy cơ nhập viện là rất lớn.

Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã hơn 20 năm, ông N.N.O., (trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) gặp không ít khó khăn trong cuộc sống bởi những vấn đề về bệnh tật gây ra.

Trung bình mỗi năm, ông phải nhập viện từ 2 đến 5 lần, mỗi đợt điều trị kéo dài khoảng hơn 10 ngày để ổn định sức khỏe. Ông cho biết: "Nếu trời chuyển lạnh thường bị ho, có đờm. Có năm 2 lần, có năm 3 đến 5 lần phải đến viện để thăm khám, điều trị".

Ông N.X.T. (trú tại thành phố Lào Cai) chia sẻ: "Tôi bị tắc nghẽn thở, ho, hô hấp khó thở. Thay đổi thời tiết là cứ bị như vậy. Nhất là thời điểm mùa Đông, sang Thu, còn mùa Hè bị ít hơn. Nay tôi đã vào viện được 13 ngày, cảm giác dễ thở, ít ho hơn rồi".

Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai hiện đang quản lý, điều trị cho khoảng 700 bệnh nhân có các bệnh lý về hô hấp, trong đó người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm khoảng 50%. Với số giường bệnh được giao là 50, khoa thường xuyên trong tình trạng kín giường bệnh, đặc biệt là trong các thời điểm chuyển mùa hoặc bước vào mùa lạnh.

Người mắc bệnh lý về hô hấp đa dạng độ tuổi, nhưng riêng với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung và cao tuổi, đặc biệt ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc làm việc trong các môi trường có yếu tố nguy cơ như khói bụi, ô nhiễm không khí…

Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Trưởng Khoa Nội hô hấp khuyến cáo: Với những người chưa từng bị COPD thì phải giữ ấm nhất là khi phải ra ngoài khi trời lạnh và tránh tập thể dục lúc sáng sớm. Đối với những người bị COPD hoặc các bệnh lý hô hấp, trước mùa lạnh nên tiêm cúm và cố gắng tiêm mỗi năm một lần, tuân thủ việc dùng thuốc để ngừng cơn tái phát.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được Tổ chức Y tế thế giới xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Do vậy, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội và nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân trong việc phòng bệnh, hạn chế hậu quả của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục