Không chủ quan trong quản lý đái tháo đường khi mang thai

P.V, icon
11:31 ngày 16/05/2024

VTV.vn - Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận một thai phụ 40 tuổi, với tình trạng đường máu cao, ceton niệu, thai to, tiền sử từng mắc đái tháo đường thai kỳ.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có 2 lần mang thai đều phải điều trị đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, bệnh nhân có 2 lần thai lưu ở tuần thai thứ 7-8. Đến lần mang thai thứ 5, khi biết mang thai, bệnh nhân đã không khám và đánh giá yếu tố nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.

Theo bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân chỉ tự điều chỉnh chế độ ăn uống khi mang thai. Đến tuần thai thứ 28, khi bác sĩ sản khoa thấy tình trạng thai to (1,5kg), bệnh nhân mới được hướng dẫn đi làm nghiệm pháp tăng đường máu.

Kết quả cho thấy đường máu lúc đói là 10.3 mmol/l, sau 1 giờ uống đường là 18.4mmol/l, sau 2 giờ uống đường là 18.92mmol/l; bệnh nhân có ceton nhiệu, có tình trạng thừa cân rõ ràng.

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kết luận bệnh nhân mắc đái tháo đường mang thai - tức là trước khi mang thai bệnh nhân đã mắc đái tháo đường mà không biết và không điều trị.

Theo các bác sĩ, những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ trên bệnh nhân này rất nhiều, đó là mang thai khi tuổi đã cao (40 tuổi), thừa cân trước khi mang thai, tiền sử 2 lần mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ, tiền sử sảy thai, có người thân là bố mắc đái tháo đường.

Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám định kỳ để phát hiện bệnh và khi mang thai cũng không xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Đối với sản phụ đái tháo đường thai kỳ, có thể gây tăng huyết áp và tiền sản giật. Đây là hai biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của mẹ và con. Tăng nguy cơ sinh non, sảy thai tự nhiên, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Đối với thai nhi, lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, dẫn tới cân nặng lúc sinh to (thường là trên 4kg). Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh. Biến chứng này có thể dẫn đến liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, suy thai, ngạt. Nguy cơ suy yếu thai cao gấp 4 lần; dễ mắc các dị tật bẩm sinh...

Vì vậy, với phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, ở những lần mang thai sau cần lưu ý: Xét nghiệm đường máu định kỳ 6 tháng/lần; Khám và xét nghiệm đường máu trước khi mang thai; Khi có thai cần đi xét nghiệm đường máu ngay để đánh giá nguy cơ; Thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ/chuyên gia dinh dưỡng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục