Không chủ quan trong các chấn thương bị đứt dây chằng chéo trước

Mỹ Hạnh, icon
07:30 ngày 02/11/2021

VTV.vn - Đứt dây chằng chéo trước là tình trạng khá phổ biến, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, không phẫu thuật sớm khiến cho chân bị teo hoặc biến chứng nặng.

Một bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước được chăm sóc sau phẫu thuật nối dây chằng tại Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên. Ảnh: Mỹ Hạnh

Trường hợp anh L.T.A., 32 tuổi (trú tại huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) bị đứt dây chằng chéo trước cách đây 1 năm do ngã xe gắn máy. Tuy nhiên, sau khi có kết quả MRI khẳng định bị đứt dây chằng chéo trước tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh A. chủ quan không đi phẫu thuật nối dây chằng, thậm chí vẫn chơi đá bóng.

Anh chia sẻ: "Mỗi khi đá bóng, tôi cố định chân bị đứt dây chằng chéo bằng dụng cụ bó gối thể thao sau đó đi lại chạy nhảy như bình thường. Tuy nhiên, khớp gối càng ngày càng mất vững, đi lại khó khăn hơn, chân bên đứt bị teo, chụp MRI phát hiện mâm chày trượt ra trước so với lồi cầu đùi, sụn chêm bị kẹt giữa 2 xương và rách, nguy cơ thoái hóa nên bác sĩ khuyên tôi phẫu thuật nối dây chằng".

Theo các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, có hai nguyên nhân khiến dây chằng chéo trước bị đứt: chấn thương trực tiếp và chấn thương gián tiếp. Chấn thương trực tiếp chiếm tới khoảng 30% khi va chạm trực tiếp vào vùng gối hoặc chơi các môn thể thao như đá bóng, bóng chuyền… hay tai nạn giao thông va chạm vùng đầu gối. Chấn thương gián tiếp là nguyên nhân gây nên đứt dây chằng chéo đầu gối thường gặp nhất. Chẳng hạn như bạn đang chạy thì dừng hoặc chuyển hướng một cách đột ngột trong khi bàn chân vẫn giữ nguyên.

Một số triệu chứng có thể xuất hiện khi bị đứt dây chằng chéo đầu gối, như: người bệnh thường nghe được tiếng kêu "rắc" khi té ngã, sau đó đau dữ dội, không đi được phải nhờ người khác nâng đứng dậy. Sau một vài ngày thấy giảm đau dần nhờ bất động tốt và dùng các phương pháp giảm đau hỗ trợ như chườm đá lạnh, uống thuốc giảm đau… Người bệnh tưởng mình đã khỏi bệnh mà không cần đến bác sĩ để khám, đây là nguyên nhân bỏ sót khi bị đứt dây chằng chéo trước.

"Khi bị đứt dây chằng chéo trước, nếu không phẫu thuật sớm, người bệnh sẽ gặp các tình trạng: gối bị lỏng, người bệnh đi lại khó khăn, chân yếu; chân bên gối lỏng khó khăn khi đứng trụ; dễ vấp ngã khi chạy nhanh; khi leo cầu thang, cảm giác chân không thật, khó khăn bước lên, bước xuống; người bệnh ít vận động do đau bởi khớp gối bị lỏng lẻo nên triệu chứng này thường xuất hiện muộn, kèm theo teo cơ, cơ đùi bị chấn thương sẽ nhỏ hơn so với bên lành", bác sĩ Võ Khắc Thành - Khoa Khám cho biết.

Khi bị đứt dây chằng chéo trước, người bệnh nên phẫu thuật tái tạo dây chằng bị đứt càng sớm càng tốt, từ 1 tuần đến 2 tháng sau khi dây chằng bị đứt là thời gian thích hợp. Việc phẫu thuật tạo hình dây chằng chéo trước để chức năng khớp gối được cải thiện và ngăn ngừa các tổn thương thứ phát do đứt dây chằng chéo trước gây ra.

Với trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng bên còn lại không còn đủ giữ vững khớp gối cũng có thể chỉ định phẫu thuật tạo hình đứt dây chằng chéo trước. Đặc biệt sau phẫu thuật, người bệnh cần được tập phục hồi chức năng để giúp dây chằng mới được máu nuôi sống tốt, khỏe, đủ để giữ vững khớp gối. Nếu luyện tập không đúng phương pháp, dây chằng mới sẽ bị chết.

Để phát hiện sớm tình trạng đứt dây chằng chéo trước, khi bị chấn thương, không nên tự dùng thuốc giảm đau mà nên đến cơ sở y tế để khám. Việc xử trí kịp thời sẽ giúp bệnh nhân loại bỏ những nguy cơ về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác của khớp gối.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục