Khi người thầy thuốc là người lính

Thế Dương, icon
10:05 ngày 26/02/2013

[] Vượt qua khó khăn, trở ngại, các thầy thuốc quân y ở huyện vùng cao Sơn La luôn hết lòng chăm lo sức khỏe cho bà con...

Ảnh minh họa (Ảnh: Baoninhthuan.com.vn)

Để đến được xã Chiềng Ly - một xã vùng sâu nghèo khó nhất của huyện Thuận Châu, đoàn bác sĩ quân y Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La và đoàn bác sĩ tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phải mất 2 giờ đồng hồ.

Vượt qua quãng đường dài hơn 20 km, khi đoàn bác sĩ tình nguyện tới đây, đã có hàng trăm người dân đợi sẵn, có những người ở cách xa hàng chục km.

Ai cũng mong mỏi bởi bao nhiều năm nay, bà con ở đấy mới có đoàn bác sĩ đến khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

Anh Vừa A Lềnh, xã Chiềng Oi, huyện Thuận Châu, có con bị sốt gần 1 tuần nay, nhưng vì bệnh viện quá xa và cũng ngại tốn kém, nên nghe tin có đoàn đến khám đã cố gắng chờ đợi đến lượt.

Anh Lềnh cho biết: “Biết để con như vậy là không được, nhưng vì bận đi nương nên mình phải vậy thôi”.

Xã chiềng Ly có đến 47% là hộ nghèo, người dân vẫn còn tâm lý ngại đi khám bệnh tại bệnh viện hay các trạm y tế. Phần vì lo chi phí sẽ tốn kém, phần vì xa xôi cách trở. Với những người dân bản nơi đây, được khám chữa bệnh gần nhà, được phát thuốc miễn phí là tin hết sức vui mừng.

Dự kiến trong buổi sáng, đoàn sẽ khám cho khoảng 200 người. Thế nhưng đã quá 12 giờ trưa vẫn còn khá đông người chờ đợi đến lượt. Bởi vậy, đối với các thầy thuốc tình nguyện tới đây, việc khám bệnh ngay trong giờ nghỉ trưa cũng không nề hà.

Vì sức khỏe của người dân vùng đặc biệt khó khăn đã trở thành động lực khiến cho các bác sĩ tình nguyện tới vùng cao Sơn La càng nỗ lực và cống hiến nhiều hơn.

PGS.TS. Hồ Bá Do, đoàn bác sĩ tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: “Bà con đã đến đây thì chúng tôi phải cố gắng. Họ quá nghèo và khi khám thì chũng tôi phát hiện ra nhiều bệnh. Chúng tôi tư vấn để họ biết mà phòng tránh, mà chạy chữa, nếu để lâu thì rất nguy hiểm”.

Bác sĩ Diêu Thị Sen, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La chia sẻ: “Vào xã, thấy bà con khó khăn quá, nên chúng tôi cũng phải cố gắng, bởi đó cũng là nhiệm vụ của người lính bác sĩ như chúng tôi”.

Mỗi năm 3 tháng xa nhà đi công tác, với bác sĩ Sen đó cũng là chuyện bình thường. Đồng hành với người bác sĩ quân y còn có sự tham gia nhiệt tình của một số thầy thuốc, dược sĩ, các nhà hảo tâm.

Mặc dù năm 2012 là năm có nhiều khó khăn, nhưng một số nhà hảo tâm đã không quản ngại vất vả, cùng chia sẻ trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp một phần lợi nhuận để hỗ trợ, nhằm giảm bớt một phần khó khăn của người dân xã Chiềng Oi.

Những người dân trong bản làng xa xôi này đã không còn bị "biệt lập", mà đã được chăm sóc sức khỏe định kỳ hàng năm.

“Dù kinh tế khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn thấy trách nhiệm chia sẻ với khó khăn của bà con, đó cũng là cái tình cái nghĩa của dân tộc Việt Nam", Dược sĩ Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc công ty Tâm Bình cho biết.

Có lẽ, chỉ ở những nơi khó khăn như Chiềng Oi, đồng bào dân tộc cũng như người dân nơi đây mới thấy được nghĩa tình sâu đậm của người lính, người thày thuốc tình nguyện.

Cùng chuyên mục