Ho kéo dài không dứt, phát hiện mắc lao phổi kháng thuốc

Hoàng Oanh, icon
11:13 ngày 12/05/2024

VTV.vn - Người bệnh nam, 28 tuổi, xuất hiện ho kéo dài 3 tháng, ho nhiều từng cơn, khạc đờm vàng đặc đục, tức ngực hai bên, khó thở, ra mồ hôi trộm, người mệt mỏi, ăn kém, sút cân.

Người bệnh được thăm khám tại buồng cách ly riêng

Ở nhà, mua thuốc uống không đỡ, người bệnh đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương thì phát hiện mắc lao phổi kháng thuốc. Trước đó, người bệnh và gia đình không có tiền sử mắc lao.

Sau khi có kết quả khám bệnh và được bác sĩ tư vấn, người bệnh quyết định về điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ. Tại đây, người bệnh được điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc, chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng. Sau 20 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã có tiến triển tốt, đáp ứng thuốc, không sốt, ho giảm dần, ăn uống được.

BSCKI. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh vào Khoa Lao phổi, chúng tôi tiến hành hội chẩn, đánh giá tình trạng kháng thuốc của người bệnh và sử dụng các loại thuốc có tác dụng tối ưu nhất vào phác đồ điều trị cho người bệnh. Mỗi đợt điều trị thuốc có thể diễn ra trong 9 tháng/đợt hoặc 18 tháng/đợt tùy vào diễn tiến bệnh. Đối với trường hợp này, bước đầu người bệnh đã đáp ứng rất tốt với phác đồ điều trị".

Lao kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bản thân người bệnh trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở cả người chưa bao giờ mắc lao với triệu chứng có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường. Việc mắc lao kháng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với tình trạng sức khỏe trầm trọng cùng với việc điều trị tốn nhiều thời gian, tiền bạc.

Để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh và khỏi bệnh, người mắc bệnh lao, trong đó có lao kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, người bệnh không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, những người có tiếp xúc thường xuyên với người bệnh lao nói chung cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục