Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

Linh Chi, icon
05:15 ngày 21/10/2020

VTV.vn - Thông tin từ Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), trong quý III, bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao.

Một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết được theo dõi điều trị tại bệnh viện (Ảnh: BVCC).

Trong quý III, bệnh viện ghi nhận 2.820 trường hợp bệnh sốt huyết nội và ngoại trú, trong đó có 773 trường hợp là trẻ em.

Bà H.L., người nhà 2 bệnh nhi 9 tuổi và 6 tuổi đang điều trị tại bệnh viện cho biết: 2 bé cùng nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, đau bụng, ói mửa... Trước đó 1 tuần, bé chị bắt đầu lên cơn sốt thì hôm sau tới cô em, cả hai bé đều không ăn uống, sốt không hạ nên được nhập viện điều trị. Năm ngoái, 2 chị em cũng phải nhập viện vì bị sốt xuất huyết cũng cùng thời điểm này.

Theo các bác sĩ, nhiều người có dấu hiệu sốt nhưng không đến bệnh viện vì sợ bị cách ly do dịch bệnh COVID-19. Không ít người tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc chờ đến khi bệnh tự khỏi. Điều này vô tình khiến tình trạng bệnh tăng nặng.

Bên cạnh đó, có một số người quan niệm rằng sốt xuất huyết chỉ bị một lần trong đời nhưng không biết rằng quan niệm này vừa đúng lại vừa sai. Bởi vì sốt xuất huyết Dengue có 4 loại là Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4, bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy, người dân có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

Tình hình dịch được dự báo vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ có nhiều thay đổi phức tạp nếu không có các biện pháp hạn chế. Bệnh viện khuyến cáo người dân có thể làm một số việc đơn giản để ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết như sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt trên 48 giờ, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục