Gia tăng bệnh nhân tay chân miệng chủng EV71

Kim Xuân , icon
01:45 ngày 11/06/2013

Hiện bệnh tay chân miệng là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có số người mắc và tử vong cao nhất ở nước ta. Thời kỳ đỉnh dịch số ca nhiễm bệnh tay chân miệng lên tới 20.000 ca mỗi tháng.

Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng tiếp tục gia tăng mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong đó, số ca bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân mắc chủng virus EV71 chiếm tới hơn 70%.

Dịch tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, ý thức phòng và sự hiểu biết của người dân về căn bệnh này còn hạn chế và là nguyên nhân khiến bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, gây quá tải tại các bệnh viện.

Các nghiên cứu cho thấy bệnh tay chân miệng đã có sự thay đổi về triệu chứng, bệnh cảnh lâm sàng. Nếu trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng, thì nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc bệnh.

‘ Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để đề phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em. (Ảnh: vietnamnet)

Nguyên nhân gây bệnh là virus đường ruột, lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Hiện có nhiều tuýp virus gây bệnh và một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau.

PGS.TS Trần Ngọc Hữu, Nguyên Viện trưởng Viện Paster TP.HCM cho biết: "Triệu chứng tương đối điển hình của bệnh tay chân miệng thường có những vết bỏng, vết loét ở vòm miệng, bàn tay, bàn chân. Khi có những triệu chứng nặng thường bệnh sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp, hệ thần kinh. Chính những triệu chứng đó tạo ra sự đe dọa đối với tính mạng của trẻ em. Thời gian bệnh chuyển biến sang nặng rất nhanh".

Theo thống kê của ngành y tế, mỗi tuần cả nước có khoảng 1.000 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân dương tính với virus tuýp EV71 chiếm hơn 70% số ca. Trước nguy cơ gia tăng tỷ lệ virut EV71, viện Paster TP.HCM đã phối hợp với WHO nghiên cứu về sự biến chủng của virus và gia tăng độc lực.

PGS.TS Trần Ngọc Hữu cho biết thêm: "Virus EV71 có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như một số bộ phận thiết yếu trong cơ thể như tim… do đó rất dễ dẫn tới tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận có sự biến đổi của virus, tuy nhiên vẫn chưa thông báo sự biến đổi đó sẽ làm thay đổi độc lực của virus.

Các bác sĩ khuyến cáo khoảng 90 - 95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Vì vậy, với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc tại nhà. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 - 40 độ, nôn, tiêu chảy, ăn ngủ kém, ngủ hay giật mình thì nên đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuy nhiên, kiến thức về bệnh và phòng bệnh còn thiếu đã dẫn tới tình trạng bệnh lây lan nhanh.

PGS.TS Trần Ngọc Hữu cho biết: "Những biện pháp đề phòng bệnh tay chân miệng cũng như sự lây lan bệnh tay chân miệng, điều đầu tiên cha mẹ cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, giữ gìn bàn tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Tiếp xúc với bệnh nhân cần khẩu trang để phòng ngừa".

Việt Nam đang triển khai việc nghiên cứu và phát triển vaccine EV71. Trong khi chờ đợi, các biện pháp để phòng bệnh sẽ góp phần giảm tỷ lệ lây lan bệnh tay chân miệng trong cộng đồng. Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông đến các bà mẹ, hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ mẫu giáo…

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chi tiết về hiện trạng bệnh tay chân miệng trong chương trình Cuộc sống thường ngày, chuyên mục Sống khỏe.



Cùng chuyên mục