Gia tăng bệnh lý hô hấp ở trẻ em

Thanh Tú, icon
09:23 ngày 12/10/2022

VTV.vn - Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp tại tỉnh Đồng Nai tăng cao.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.

Các bệnh viêm phế quản, viêm phổi tăng

Chị N.T.N. (trú tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: Nhà chị có 2 cháu, một cháu năm nay 8 tuổi và một cháu 5 tuổi. Tuần trước bé lớn nhà chị bị ho sốt nhưng vì nghĩ chỉ viêm họng thông thường nên chị không cho trẻ đi viện khám mà chỉ mua thuốc ngoài tiệm thuốc về cho con uống. Tuy nhiên đến nay, cháu không thuyên giảm mà bệnh còn nặng hơn, không những vậy mà bé nhỏ cũng bị lây bệnh từ chị. Nay chị cho 2 cháu đi khám thì bác sĩ bảo cháu lớn bị viêm phổi cần phải nhập viện.

BSCKI. Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai cho biết: Thời gian gần đây, trẻ mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản tăng lên, dự kiến thời gian tới bệnh tay chân miệng cũng sẽ tăng mạnh.

Nguyên nhân trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng là do trẻ em còn nhỏ, sức đề kháng còn yếu. Trong thời gian nghỉ do dịch COVID-19, việc tiếp xúc với y tế cũng khó khăn, chính vì vậy các trẻ không được chích ngừa đầy đủ theo đúng quy định nên hệ miễn dịch của trẻ cũng giảm. Sau khi đi học lại, nhiều trẻ bị bệnh, rồi lại lây nhiễm cho nhau. Trong một lớp học, một trẻ bệnh có thể lây cho 10-20 trẻ khác.

Bác sĩ Quyền lưu ý: Khi trẻ có biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, nôn ói khi ăn bú… nghĩa là trẻ đã mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp. Lúc này, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nặng của bệnh như sốt cao, ho nhiều nặng tiếng, thở nhanh hay thở mệt, khò khè, nôn ói nhiều, không bú được, lừ đừ... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

"Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài 5 - 7 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới và quá trình điều trị kéo dài" - bác sĩ Quyền cho hay.

Không nên tự ý… làm "bác sĩ"

Cũng theo bác sĩ Quyền, để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, phụ huynh nên đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho trẻ, ăn đủ chất, uống đủ nước, chích ngừa đúng lịch; tránh tiếp xúc nguồn lây, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang nơi tập trung đông người; giữ ấm cho trẻ; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn.

Các phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên... Người lớn cũng cần giữ vệ sinh, đi ra ngoài về cần rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh đường hô hấp...

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý... làm "bác sĩ", không cho trẻ uống thuốc theo đơn cũ. Đặc biệt là người lớn không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh, việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ có thể dẫn đến bệnh càng nặng hơn.

Có một thực tế, nhiều người có thói quen tự ý cho trẻ uống kháng sinh để điều trị các triệu chứng thông thường như ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi... Việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng khả năng kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém. Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn có hại trong cơ thể nhưng cũng diệt cả những vi khuẩn có lợi. Mà sự hiện diện của những vi khuẩn có lợi này có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn, đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Nếu những vi khuẩn có lợi này chết, khả năng phòng thủ của cơ thể sẽ giảm xuống.

Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không được sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh, khiến chúng ta càng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục