Gia đình 7 anh em ruột mắc ung thư đại tràng

Lê Thạch, icon
01:12 ngày 10/04/2018

VTV.vn - Một gia đình ở Hải Dương có 7 anh em cùng bị ung thư đại tràng thường xuyên phải vào viện điều trị.

Người con gái chăm sóc ông Vinh tại Bệnh viện K

TS Phạm Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều cho biết, ung thư đại trực tràng là ung thư tiêu hóa thường gặp, trên thế giới mỗi năm có 1 triệu ca ung thư đại trực tràng mới mắc, chiếm khoảng 10% trong tổng số các bệnh ung thư và con số tử vong chiếm 8,5% tổng số bệnh nhân chết vì ung thư và đây là căn bệnh ung thư có yếu tố gia đình.

Cuối năm 2017, khi có những dấu hiệu đau bụng, đi ngoài ra máu nhiều lần, ông Phạm Duy Vinh (sinh năm 1966, trú tại Văn Hội, Ninh Giang, Hải Dương) đã đến khám tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông Vinh mắc ung thư đại tràng góc lách, cần tiến hành phẫu thuật. Biết được bệnh tình ông Vinh chỉ muốn buông xuôi tất cả vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, người vợ vừa trải qua cơn tai biến để lại nhiều di chứng.

Trước sự đông viên của gia đình, ông Vinh đã nhập viện để điều trị bệnh. Ông Vinh đã được phẫu thuật mở để loại bỏ khối u kích thước 1x2 cm và truyền hóa chất Sau phẫu thuật, bệnh tình chuyển biến tích cực hơn ông Vinh được chuyển về khoa Ngoại bụng 2 để tiếp tục quá trình điều trị.

Điều đặc biệt, không chỉ mình ông Phạm Duy Vinh mắc ung thư đại tràng. Trong gia đình có 9 anh chị em, thì có tới 7 người mắc ung thư đại tràng, chỉ còn duy nhất 2 người em út được số phận may mắn mỉm cười. Người anh cả là Phạm Duy Vương (sinh năm 1961) cũng vì căn bệnh đó mà mất từ lâu và năm 2017 một lần nữa người mẹ ruột là bà Vũ Thị Toan (74 tuổi) cũng qua đời bởi "ung thư đại tràng". Hiện 5 người anh chị em còn lại vẫn đang tiếp tục điều trị và tái khám tại bệnh viện K.

TS Bình cho biết: "Tại Bệnh viện K mỗi năm cũng gặp 2 - 3 gia đình có người nhà cùng bị ung thư. Tuy nhiên, con số đó chỉ dừng lại ở 3 - 4 người, còn riêng gia đình bệnh nhân Phạm Duy Vinh có tới 7 người bị ung thư đại trực tràng là hiếm gặp".

Theo TS. Bình cả gia đình anh Vinh đều bị ung thư đại trực tràng do hội chứng đa polyp gia đình hay còn gọi hội chứng FAP là hội chứng điển hình có tính chất gia đình do đột biến gen APC, gen này có thể chuyển từ bố mẹ, sang con, đây là một loại gen có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng.

Trong điều trị ung thư, việc chẩn đoán sớm là điều kiện tiên quyết để giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Do đó, để để phòng bệnh, mọi người cần phòng tránh các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư đại trực tràng như: người trên 50 tuổi, gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, những người béo phì lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu cần có kế hoạch nội soi đại trực tràng tại các cơ sở y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục