Việt Nam thiếu hụt trầm trọng người đỡ đẻ có kỹ năng tại miền núi, vùng sâu vùng xa

Lê Thạch, icon
05:18 ngày 24/04/2018

VTV.vn - Đầu tư cho công tác hộ sinh là vấn đề quan trọng giúp hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản của mọi phụ nữ ở các vùng miền khác nhau.

Sáng 24/4, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Hộ sinh Việt Nam lần thứ nhất và Báo cáo "Rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của cộng đồng các dân tộc thiểu số".

Việt Nam thiếu hụt trầm trọng người đỡ đẻ có kỹ năng tại miền núi, vùng sâu vùng xa - Ảnh 1.

Hội thảo đã chỉ rõ thực trạng đáng lo ngại trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tử vong mẹ thường cao hơn tại các vùng sâu, vùng xa và các khu vực dân tộc thiểu số. Số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các ca sinh được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ tại các khu vực nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là 49%, so với số liệu ước tính trên toàn quốc là 94%.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân tộc thiểu số là 57%, tương đương với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các tỉnh và giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số - với tỷ lệ là 75% ở tỉnh Kon Tum, so với 45% ở tỉnh Gia Lai, 41- 42% đối với đồng bào dân tộc Ba Na và Gia Rai, hơn 70% đối với đồng bào dân tộc Tày và Xơ Đăng.

Báo cáo cũng cho thấy hiện nay Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng người đỡ đẻ có kỹ năng tại các vùng sâu vùng xa, cũng như sự khác biệt về năng lực của nhân viên y tế công tác tại vùng đồng bằng so với khu vực trung du và miền núi. Khoảng 94% số hộ sinh mới chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp và chỉ có 0,8% có trình độ cử nhân.

Từ các thực trạng trên, Bộ Y tế nhận định: Đầu tư cho nhân lực y tế, trong đó có ưu tiên cho cán bộ hộ sinh là một trong những sự đầu tư đúng đắn nhất mà một quốc gia có thể thực hiện. Việc củng cố vị thế của hộ sinh là hết sức quan trọng. Khi hộ sinh được đào tạo bài bản, được trao quyền và được hỗ trợ, họ sẽ góp phần đáng kể vào việc cứu sống tính mạng các bà mẹ trẻ sơ sinh liên quan đến thai sản, góp phần cải thiện kinh tế và xã hội của cả quốc gia. Sự hiện diện của hộ sinh bên cạnh mỗi phụ nữ có thai là một chiến lược chi phí hiệu quả về y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục