Đồng Nai: Nhiều khó khăn trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở

Theo TTXVN, icon
11:10 ngày 31/03/2019

VTV.vn - Thời điểm này tại các tỉnh phía Nam chuẩn bị bước vào mùa mưa, đây là mùa gia tăng các loại dịch bệnh.

Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.

Tuy nhiên tại Đồng Nai, ngành Y tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết đang có diễn tiến phức tạp. Nguyên nhân là do nhiều người dân chủ quan, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa quan tâm đúng mức đến việc chủ động phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, gần 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nội trú, gần 500 ca mắc điều trị ngoại trú. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết phải điều trị nội trú tăng gần 4 lần (năm 2018 ghi nhận 580 ca mắc).

Bệnh tay chân miệng, sởi vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Trong tuần cuối tháng 3, toàn tỉnh ghi nhận gần 80 ca mắc sởi, tăng gần 37% so với tuần trước đó. Số ca mắc sởi tăng nhiều nhất là ở thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành, đây là những địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, tập trung nhiều lao động sinh sống và làm việc. Đáng lưu ý, số ca mắc sởi có độ tuổi dưới 9 tháng tuổi và từ 15 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ khá cao trong các độ tuổi mắc sởi (chiếm hơn 40,6%).

Ông Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, thời điểm này tình hình dịch bệnh tăng cao, nhất là bệnh sốt xuất huyết là do các dụng cụ chứa nước đã có nước và chưa được xử lý, đây là điều kiện cho các loại côn trùng, muỗn truyền bệnh phát triển. Do đó, dịch bệnh rất khó giảm sâu.

Thời gian qua, ngành Y tế Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; giám sát côn trùng liên tục trên toàn tỉnh. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết, các cơ quan chức năng chuyên môn của tỉnh sẽ trực tiếp đi điều tra ca bệnh, phun thuốc khử trùng và dập tắt các ổ dịch. Bên cạnh đó, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông, tập trung vào các đối tượng cụ thể là công nhân trong các khu công nghiệp, chủ các doanh nghiệp trên địa bàn…

Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế Đồng Nai vẫn đang đơn độc trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành Y tế đã gửi các văn bản hướng dẫn và đề nghị hợp tác trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh như dọn vệ sinh, phun xịt hóa chất trong các khu công nghiệp nhưng vẫn không nhận được phản hồi từ các khu công nghiệp. Trong các khu công nghiệp, công ty, các vật dụng chứa nước nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển…

Theo ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, trước thực trạng này, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai để có chỉ đạo riêng cho Ban Quản lý các khu công nghiệp. Từ đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ có văn bản trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác phối hợp, chủ động phòng chống các loại dịch bệnh. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị  y tế trên địa bàn để phun xịt thuốc, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng… 

Tại Đồng Nai đang lưu hành 3 tuýp virus Dengue gây bệnh là D1, D2, và D4. Một người đã từng mắc sốt xuất huyết sẽ miễn dịch với một tuýp virus. Miễn dịch này bền vững nhưng không có miễn dịch chéo nên mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần do tuýp virus đó hoặc do tuýp virus khác. Sốt xuất huyết lần 2 thường nặng hơn lần đầu, nếu ai bị sốc ở lần đầu thì lần sau sẽ bị sốc nặng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục