Trước diễn biến đáng lo ngại của bệnh đậu mùa khỉ, phóng viên VTV News vừa có cuộc trao đổi với Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa WoolCock, Đại học Sydney tại Việt Nam.
PV: Theo quan sát và nhận định của bà, diễn biến bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay ra sao? mức độ nguy hiểm như thế nào?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Đậu mùa khỉ hiện đang bùng phát ở các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiếm tới hơn 80% số ca trên thế giới trong tuần 4-11/9/2023 (theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO). Tại Thái Lan, số ca đậu mùa khỉ đã tăng nhanh từ 48 ca mới phát hiện trong tháng 6/2023 lên 80 ca mới trong tháng 7 và 145 ca mới trong tháng 8. Tại Trung Quốc, số ca mới phát hiện cũng tăng lên nhanh chóng, từ 106 ca trong tháng 6/2023 lên khoảng 500 ca mới mỗi tháng trong giai đoạn tháng 7-8. Tuy nhiên trên thực tế, số ca mắc đậu mùa khỉ chắc chắn cao hơn do người mắc bệnh không được xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời, thậm chí nhiều nơi còn thiếu kít xét nghiệm; và còn do báo cáo chậm.
Biểu đồ diễn biến bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới của WHO.
Đỉnh điểm của đợt bùng phát trước là vào khoảng tháng 8 năm 2022 rồi giảm dần vào đầu năm 2023, trừ một số nước châu Phi, nơi có đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục lây lan.
Diễn biến bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới:
- 90.439 người mắc đậu mùa khỉ (được xét nghiệm chẩn đoán)
- 157 người tử vong do căn bệnh lây truyền này tại 115 quốc gia/vùng lãnh thổ.
- Hơn 96% người mắc bệnh là nam giới, nhất là người đồng tính nam, tập trung nhiều ở độ tuổi lao động (29 - 41 tuổi).
(Số liệu cập nhật đến ngày 11/9/2023 - theo WHO)
Theo báo cáo tổng hợp của WHO, đường lây truyền cho tới nay chủ yếu qua đường tình dục (82,5%), nhưng cũng có nhiều người lây qua tiếp xúc với người mắc bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh này là phát ban (toàn thân và/hoặc ở bộ phận sinh dục) và sốt.
Nguy cơ bùng phát dịch ở cộng đồng dân cư là thấp nhưng nguy cơ với người đồng tính nam và người hành nghề mại dâm là trung bình. Tuy vậy, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ phụ thuộc vào hành vi và tình trạng miễn dịch của cơ thể. Vì thế chúng ta vẫn thấy có những người không phải là đồng tính nam hay hành nghề mại dâm mà vẫn bị mắc bệnh, do họ có tiếp xúc với người bệnh.
Virus đậu mùa khỉ hiện vẫn đang lưu hành ở động vật ở một số nước châu Phi. Đây là nguồn lây nhiễm tiềm tàng, khiến cho đợt dịch này có thể giảm dần nhưng đợt dịch khác sẽ lại bùng phát.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa WoolCock, Đại học Sydney tại Việt Nam.
PV: So với COVID-19, đậu mùa khỉ có khả năng bùng phát mạnh và gây hậu quả tồi tệ hay không thưa bà?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Cho tới nay, với các biến thể hiện tại, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do đậu mùa khỉ thấp. Con đường lây bệnh cũng khiến cho căn bệnh này hiện tập trung ở một số nhóm dân cư cụ thể chứ ít khả năng lây lan ra toàn cộng đồng. Tuy nhiên trong nhóm dân cư này, cụ thể ở đây là người đồng tính nam và người hành nghề mại dâm, số người mắc bệnh sẽ tăng lên nhanh chóng kèm theo biểu hiện bệnh trên da sẽ khiến cho họ dễ bị kỳ thị, vì vậy giấu bệnh, không được chữa trị kịp thời và tiếp tục là nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng.
Chúng ta cũng học được từ COVID-19 rằng virus có thể sinh ra các biến chủng hoặc biến thể mới. Virus đậu mùa khỉ cũng có thể như vậy. Vì vậy, tốt nhất là kiểm soát dịch bệnh khi còn có thể.
PV: Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ bắt đầu lây lan tại một số địa phương. Bà nhận định thế nào về những mối nguy mà dịch bệnh này có thể gây ra ở Việt Nam?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Việt Nam cũng sẽ không khác với các nước khác trên thế giới, cũng như các nước trong khu vực đang có đợt bùng phát căn bệnh này. Chúng ta đã phát hiện ra những người mắc bệnh không rõ nguồn lây, tức là đã có lây lan thầm lặng trong cộng đồng. Số ca sẽ tăng lên nhanh chóng, và chúng ta có thể không chẩn đoán hết vì những lý do mà tôi đã nói ở trên (người mắc bệnh không được xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời, thậm chí nhiều nơi còn thiếu kít xét nghiệm; và còn do báo cáo chậm). Nếu không chẩn đoán kịp thời thì virus lại tiếp tục lây lan.
Đó là chưa kể trong những năm vừa qua, tỷ lệ nhiễm HIV ở người đồng tính nam ở Việt Nam tăng nhanh và ở mức cao. Thật không may là đường lây truyền HIV và đậu mùa khỉ có một số điểm tương đồng, nên có thể dự đoán rằng đậu mùa khỉ sẽ bùng phát ở nhóm này nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Một bệnh nhân đậu mùa khỉ được cách ly, theo dõi, điều trị tại Khoa Nhiễm - Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN
PV: Công tác truyền thông để nâng cao ý thức phòng chống bệnh đậu mùa khỉ của người dân trong nước hiện nay theo bà đã "đủ liều"? hay còn mờ nhạt so với mức độ nguy hiểm của bệnh?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Đó đây chúng ta có thể thấy các tin bài về bệnh đậu mùa khỉ, nhưng theo tôi là còn mờ nhạt. Các website của các đơn vị phòng chống dịch đăng tải không nhiều thông tin về căn bệnh này. Và tôi cho rằng còn nhiều người chưa biết cách nhận biết dấu hiệu/triệu chứng của người bị đậu mùa khỉ và vai trò của vaccine trong phòng chống căn bệnh này.
PV: Theo bà, để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần làm gì vào thời điểm này? Đồng thời bà có thể thông tin thêm về vaccine phòng ngừa đậu mùa khỉ như bà vừa nhắc đến?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần lưu ý những vấn đề sau:
- Biết dấu hiệu/triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ và tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh. Nếu bản thân có các dấu hiệu/triệu chứng nghi ngờ thì tự cách ly và gọi điện tới cơ sở y tế để được hướng dẫn.
- Người có nguy cơ cao mắc bệnh nên tiêm vaccine phòng bệnh. Hiện nay, trên thế giới đã có vắc xin JYNNEOS phòng đậu mùa khỉ (tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần) với hiệu lực bảo vệ dao động từ 35% - 75% sau khi tiêm 1 mũi và 66% - 85% sau khi tiêm 2 mũi. Vaccine này hiện khuyến cáo sử dụng ở người có nguy cơ cao, người tiếp xúc với bệnh nhân. Vaccine có hiệu lực bảo vệ sau khi tiêm mũi thứ hai 14 ngày.
- Thường xuyên rửa tay.
PV: Nếu có khó khăn trong việc phòng ngừa đậu mùa khỉ bùng phát thì theo bà, đó là những khó khăn nào?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất có thể là tình trạng thiếu vaccine nên hiệu quả phòng chống dịch còn phụ thuộc vào hành vi phòng ngừa bệnh của cộng đồng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu kít xét nghiệm, năng lực xét nghiệm (nhân lực, vật lực) nếu hạn chế sẽ có thể sẽ để lọt nhiều ca bệnh.
Một khó khăn lớn nữa là việc kỳ thị, phân biệt đối xử sẽ khiến người bệnh giấu bệnh và không tới cơ sở y tế.
Cuối cùng, nếu người dân và hệ thống y tế chủ quan hoặc thậm chí là không có đủ thông tin để bảo vệ bản thân và có hành động phù hợp thì mối đe dọa từ dịch bệnh sẽ lớn hơn nhiều. Kinh nghiệm của nước có dịch bùng phát trong năm 2022 cho thấy nhận thức của cộng đồng về căn bệnh là biện pháp dự phòng bản lề.
PV: Xin cảm ơn bà với những thông tin hữu ích vừa rồi!
Khuyến cáo phòng ngừa đậu mùa khỉ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên phạm vi toàn quốc đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng.
VTV.vn - Áp lực về kinh tế, công việc, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc trong việc sinh con.
VTV.vn - Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới.
VTV.vn - Sở Y tế tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm A/H1pdm sau khi ghi nhận 4 ca tử vong.
VTV.vn - Ngộ độc thuốc gây tê khi nhổ răng là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm.
VTV.vn - Người phụ nữ 54 tuổi, phải nhập viện sau khi tự ý tiêm thuốc vào vùng bắp tay tại nhà.
VTV.vn - Bệnh nhân nữ 73 tuổi, có triệu chứng đau đầu dai dẳng, gần đây bệnh nhân đau nhiều hơn kèm theo buồn nôn nên đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khám.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm.
VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận sự gia tăng số lượng trẻ đến khám Khoa Nam học do các vấn đề liên quan đến béo phì, điển hình là vùi dương vật, tinh hoàn nhỏ.
VTV.vn - Tiết lộ bí mật đằng sau Neo Kids – Thương hiệu toàn cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em, chinh phục người tiêu dùng bởi chất lượng vượt trội, sự uy tín và tình yêu trọn vẹn.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi bàng quang to như quả trứng gà trên nền bệnh sỏi thận hai bên và sỏi niệu quản trái cho bệnh nhân.
VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa phẫu thuật trong đêm cứu sống bệnh nhi ngay sau khi chào đời tại Khoa Sản – Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh được chẩn đoán huyết khối gây thuyên tắc phổi.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nam 31 tuổi, bị sốc phản vệ - ngưng tim do ong đốt.
VTV.vn - Gia đình phát hiện bé gái 15 tháng tuổi trong tình trạng bị méo miệng, mắt không nhắm kín.