Dịch bệnh thủy đậu tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk

Mai Lê, Quang Nhật, icon
06:06 ngày 07/04/2023

VTV.vn - Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu với 52 trường hợp mắc bệnh.

Cán bộ y tế xã kiểm tra tình trạng sức khỏe của các em học sinh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, 2 ổ dịch thủy đậu vừa được phát hiện tại huyện Ea Kar và M’Đrắk với 52 trường hợp mắc thủy đậu. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 5 ổ dịch thủy đậu (thành phố Buôn Ma Thuột: 1, huyện Ea Kar: 1, huyện Lắk : 2, huyện M’Đrắk: 1) với 108 trường hợp mắc bệnh.

Tại huyện Ea Kar, trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh thủy đậu là bệnh nhi 6 tuổi (đang học tại trường Mầm non Ngọc Lan, trú tại Buôn Ea Kõ, TT. Ea Kar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).

Theo người nhà bệnh nhi, ngày 23/3, bệnh nhi phát bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, xuất hiện các mụn nước trên mặt và ngực, sau đó lan sang vùng bụng và tay chân. Bệnh nhi được người nhà đưa đi khám ở phòng khám tư và được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu.

Những ngày sau đó, tiếp tục ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc bệnh trong cùng 1 lớp học tại trường Mầm non Ngọc Lan.

Cùng thời điểm đó, tại thôn 8, thị trấn Ea Kar cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc thủy đậu. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Kar cho biết: Ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, Trung tâm y tế huyện đã nhanh chóng phối hợp với Trạm y tế thị trấn điều tra, giám sát ca bệnh, tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng. Đến nay, các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn đều đã ổn định.

Còn tại huyện M’Đrắk, dịch bệnh thủy đậu đã xuất hiện và bùng phát thành ổ dịch ở thôn 9, xã Cư Króa tại 2 điểm trường Mẫu giáo Hoa Sim và Tiểu học Lê Quý Đôn với 30 ca bệnh là học sinh và 3 ca người nhà học sinh.

Chị Nguyễn Thị Vinh, nhân viên y tế Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thôn 9, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Trường hiện nay có 8 lớp với 199 học sinh, trong đó 100% học sinh đều là dân tộc H’Mông. Ngày 29/3, tại trường ghi nhận học sinh mắc bệnh thủy đậu, sau đó bệnh nhanh chóng lan rộng và tới nay đã có 25 học sinh mắc bệnh.

Theo ông Võ Trọng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, ngay khi trên địa bàn huyện ghi nhận các trường hợp mắc bệnh thủy đậu, Trung tâm Y tế phối với với Trạm Y tế xã thực hiện điều tra, giám sát tại các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh, các trường học và khu vực ổ dịch, nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tiến hành cách ly và quản lý kịp thời ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài.

Đồng thời, tổ chức vệ sinh môi trường, phun Chloramin B khử khuẩn trong nhà và khu vực xung quanh nơi ghi nhận ca bệnh, các lớp học, trường học, khu vực ổ dịch. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, thông thoáng nhà cửa, hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người tại khu vực ổ dịch.

Cán bộ y tế cũng tiến hành rà soát tình hình tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu của người dân tại khu vực phát sinh ổ dịch và vận động người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho bản thân và người nhà.

Để khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện để điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, theo số liệu giám sát dịch tễ về bệnh thủy đậu, các ổ dịch thường phát sinh ở các trường học, nơi tập trung đông người. Đặc biệt hầu hết các ca bệnh thủy đậu thường ghi nhận ở người chưa được tiêm phòng vaccine phòng bệnh và chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đây. Đa số các ổ dịch ghi nhận tại trường học, mật độ và tần suất tiếp xúc cao, dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc nếu không chủ động triển khai các biện pháp dự phòng kịp thời.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào các tháng mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua đường hô hấp như sởi, adeno virus, sốt xuất huyết, tay chân miệng... cũng có thể gia tăng.

Để không xảy ra vấn đề dịch chồng dịch, việc phòng chống bệnh thủy đậu, không để các ổ dịch lan rộng, trong thời gian tới, ngành y tế các địa phương cần theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn nói chung và tại các ổ dịch đã ghi nhận nói riêng. Đề nghị các trung tâm y tế tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các trường học, hướng dẫn nhà trường, cán bộ y tế trường học kịp thời phát hiện, cách ly, xử lý khi có ca bệnh, tránh trường hợp để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, thực hiện cập nhật hằng ngày về diễn biến dịch bệnh tại ổ dịch.

Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thủy đậu tại cộng đồng và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (có tiếp xúc với người mắc thủy đậu, người sống cùng nhà với bệnh nhân mắc thủy đậu). Khuyến cáo người dân khi phát hiện bản thân hoặc các trường hợp mắc thủy đậu cần thông báo ngay cho Trạm Y tế để được tư vấn, hướng dẫn điều trị theo quy định.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân. Khi trẻ mắc thủy đậu, nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1.Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2.Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4.Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5.Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục