Đẩy mạnh tuyên truyền để làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh

Mai Lê, Quang Nhật, icon
06:06 ngày 27/12/2022

VTV.vn - Công tác thông tin, tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tư vấn cho người dân các vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số, tỷ lệ giới tính nam/nữ năm 2021 là 109,3/100, năm 2022 là 108 bé trai/100 bé gái. Riêng tại TP. Buôn Ma Thuột, năm 2022, tổng số trẻ được sinh là 5.270. Trong đó, có 2.773 bé trai và 2.497 bé gái. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tại TP. Buôn Ma Thuột là 111,05 bé trai/100 bé gái.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Trưởng phòng Dân số Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Sự mất cân bằng giới tính khi như hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Hệ lụy là nước ta sẽ dư thừa số lượng nam thanh niên.

Bất bình đẳng giới cũng sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như phụ nữ không có được vị thế, không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội; đối mặt với tình trạng gia tăng các vụ bạo hành giới mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái; gia tăng tỷ lệ buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; tăng cao nguy cơ các cặp vợ chồng ly hôn. Đồng thời, mất cân bằng giới tính còn dẫn đến nguy cơ thiếu nhân lực làm việc trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc...

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại rất nhiều hệ lụy lâu dài cho đời sống kinh tế, xã hội. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ có một cấp, một ngành, mà cần sự vào cuộc của nhiều phía. Một trong những biện pháp quan trọng cần thực hiện để làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước như Pháp lệnh Dân số năm 2003, các Nghị định của Chính phủ về cấm lựa chọn giới tính thai nhi, Luật Bình đẳng giới…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế và đi đến loại trừ lựa chọn giới tính thai nhi. Cần tập trung truyền thông cho các đối tượng là phụ nữ và nam giới trẻ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người đã có 2 con gái, người cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, riêng năm 2022, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho 80 cộng tác viên dân số về kiến thức, kỹ năng truyền thông và phổ biến pháp luật về mất cân bằng giới tính khi sinh. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan về giới, bình đẳng giới; mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các buổi lồng ghép với dân số, họp phụ nữ thôn, buôn, tổ dân phố cùng các ban ngành đoàn thể với gần 2.000 lượt người tham dự.

Đồng thời, cấp phát 5.000 tờ rơi nội dung "Không phân biệt lựa chọn giới tính thai nhi" về cho 21 đơn vị xã, phường trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh tuyên truyền qua các loa truyền thanh của phường, xã, treo các băng rôn, khẩu hiệu về mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới, tổ chức các buổi tư vấn về không lựa chọn giới tính khi sinh, bình đẳng bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục