Đắp thuốc nam, châm cứu tới liệt nặng mới vào bệnh viện

Lê Thạch, icon
06:59 ngày 23/11/2018

VTV.vn - Người đàn ông này bị chấn thương cột sống, điều trị bằng thuốc nam và châm cứu được 2 năm nay - đến khi bị liệt nặng, mất chức năng mới vào bệnh viện khám.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn S., 41 tuổi (trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) trong tình trạng đau cột sống cổ, hạn chế vận động, yếu tứ chi không đi lại được, rối loạn cơ tròn), tê bì mất cảm giác từ ngang vú trở xuống.

Trước đó, bệnh nhân bị hạn chế đi lại do tai nạn lao động phải cắt cụt cẳng tay phải. Cách đây 3 năm, người bệnh đi làm đồng vô tình bị ngã, khi về nhà chỉ thấy đau cột sống cổ nhẹ. Tuy nhiên, do chủ quan nên đã không đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. 8 tháng sau chấn thương, thấy đau cột sống cổ tăng lên, tê bì tứ chi người bệnh cũng chỉ đi thăm khám ở trên huyện và chủ yếu là chữa trị ở các thầy lang như châm cứu, đắp thuốc nam.

Sau một thời gian dài điều trị ở các thầy lang, tốn kém về mặt vật chất mà bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn rất nhiều. Ban đầu thì tê bì chân tay rồi chuyển sang liệt tứ chi khoảng 2 năm, tiếp đó là chuyển sang mất hết chức năng, lúc này người bệnh mới được gia đình đưa đến bệnh viện khám và điều trị.

Đắp thuốc nam, châm cứu tới liệt nặng mới vào bệnh viện - Ảnh 1.

Hình ảnh cho thấy tủy sống của ngang ngực bệnh nhân bị chèn ép.

Kết quả chụp CT và chụp cộng hưởng từ cho thấy: bệnh nhân bị mất vững đốt sống cổ C1- C2 do gãy mỏm nha type 2; bị chèn ép tủy sống ngang mức đốt sống C1, C2.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để nắn chỉnh trượt, làm vững cột sống và giải phóng chèn ép thần kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo: chấn thương cột sống cổ rất hiếm gặp trong sinh hoạt cũng như trong lao động, do đó rất dễ bị bỏ sót tổn thương nếu không được đi khám và tư vấn đúng chuyên khoa cột sống.

Vì vậy, khi không may bị ngã ở bất cứ tình huống nào, nếu thấy có biểu hiện như đau cổ, hạn chế vận động, tê bì tay chân cần phải được thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán đúng những vùng tổn thương và được điều trị kịp thời để tránh được những biến chứng không mong muốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục