Chuyên gia cảnh báo những thói quen khi ăn uống làm lây lan vi khuẩn HP

P.V, icon
09:42 ngày 17/08/2019

VTV.vn - Việc dùng đũa gắp thức ăn đưa vào miệng và gắp cho mọi người, uống chung ly nước... có nguy cơ rất cao làm lây lan vi khuẩn HP từ miệng người bị nhiễm.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Lê Kim Sang, chuyên Khoa Nội soi và Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Quốc tế City, mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 50 trường hợp đau dạ dày, đại tràng và nhiễm khuẩn HP. Những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, có nhiễm khuẩn HP là điều nan giải nhất trong việc chữa trị.

Nhiễm vi khuẩn HP khá phổ biến và đại đa số người dân Việt Nam đều mắc phải. Theo thống kê mới công bố, có 70% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Đây được xem là một con số hết sức đáng lo ngại. Trong đó, đường lây nhiễm phổ biến nhất là đường miệng, mức độ lây nhiễm thường mắc trên mọi lứa tuổi, không kể nam, nữ, trẻ em. Đặc biệt, số lượng nhiễm nhiều nhưng kháng thuốc cũng nhiều, điều đó làm người bệnh sợ, bác sĩ gặp khó trong vấn đề điều trị.

Người bị nhiễm vi khuẩn HP thường có những triệu chứng khó tiêu, đầy bụng. Trường hợp viêm loét dạ dày gây đau, xuất huyết là những biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng. Một số trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng có biểu hiện nặng hơn khi người ta thấy nó xuất hiện những biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển đổi niêm mạc dạ dày như là loạn sản, chuyển sản…

Cũng theo bác sĩ Lê Kim Sang, những trường hợp nhiễm khuẩn HP lâu ngày, có khả năng gây ra những biến chứng như viêm, loét dạ dày tá tràng và bệnh ung thư dạ dày. Do đó vấn đề cần làm ngay là phải chẩn đoán sớm người bệnh có nhiễm HP hay không và tìm phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh đó. nhiều trường hợp người lớn và trẻ em nhiễm HP và quan trọng là việc tái đi rất nhiều, dẫn đến kháng thuốc nên việc điều trị rất khó.

Bác sĩ Sang cũng cho rằng: nguyên nhân chính gây nên sự lây lan của vi khuẩn HP là do tập quán ăn uống, sinh hoạt chung. Người Đông Nam Á đa phần sống thiên về tình cảm, nể nang nên ăn uống, họ không cân nhắc, cảnh giác mà ăn chung tập thể. Điều đó tạo nên sự thuận lợi của việc nhiễm, lây lan HP. Khi phát hiện bệnh, nhiều người cảm giác khó tiêu, đau ở vùng bụng thượng vị là tự động mua thuốc uống, không cần biết thuốc có mục đích điều trị, gây nên vấn đề kháng thuốc trong cộng đồng. Có những người vì kế sinh nhai mà ngày ngày uống thuốc để bớt đau mà có sức làm việc. Đây cũng là một thói quen không hay và cũng tạo tiền đề cho việc kháng thuốc.

Sự kháng thuốc của H.pylori ảnh hưởng đến kết quả điều trị và cải thiện lâm sàng của người bệnh, ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế… Nếu tiếp tục sử dụng kháng sinh trong các phác đồ điều trị kế tiếp vừa gây tốn kém cho bệnh nhân và tỷ lệ kháng thuốc của H.pylori sẽ tăng lên.

Người bị nhiễm vi khuẩn HP nếu không điều trị kịp thời, tình trạng bệnh nặng hơn hoặc bệnh chuyển qua giai đoạn mãn tính, hậu quả dẫn đến ung thư. Song có tiến triển ung thư hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa mỗi người, độc tính của vi khuẩn, chế độ ăn uống, địa lý, sắc tộc, di truyền. Việc điều trị HP rất khó khăn nên biện pháp tốt nhất là phòng ngừa, tức không để HP lây nhiễm từ người này sang người khác. Mọi người nên có ý thức về bệnh lý, tự động khám chữa bệnh cho bản thân, phòng chống bệnh cho gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục