Cắt bỏ ngực vẫn có thể ung thư vú?

Nguyệt Ánh, icon
09:42 ngày 24/05/2013

Khi phát hiện gen đột biến có khả năng gây ung thư tuyến vú ở phụ nữ, bệnh nhân có nhất thiết phải cắt bỏ bộ ngực hay không? Và làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh ung thư vú?

Sự kiện ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Angelina Jolie quyết định phẫu thuật cắt bỏ bộ ngực của mình để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư vú được dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, nhiều phụ nữ băn khoăn nếu xét nghiệm và phát hiện mình cũng mang gen có nguy cơ gây ung thư vú thì việc cắt bỏ như vậy có phải là giải pháp hàng đầu hay không?

Bác sĩ chuyên khoa PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Viện trưởng viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, bệnh viện K, Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên VTV về vấn đề này trong chuyên mục Sống khỏe.

PV: Thưa bác sĩ, từ trường hợp của ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie, một trong nhưng nguy cơ gây ung thư cao được bàn nhiều là vấn đề đột biến gen BRCA1. Từ sự kiện này nhiều phụ nữ thắc mắc, trong trường hợp xét nghiệm gen mà phát hiện ra gen này thì liệu cắt bỏ có phải là sự lựa chọn tối ưu hay không?
PGS. TS. Trần Văn Thuấn:
Ung thư vú là bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nếu phát hiện có đột biến gen BRCA1 hoặc gen BRCA2 không nên quá lo lắng, bởi đây chỉ là yếu tố nguy cơ không phải hoàn toàn có thể mắc bệnh ung thư mà chỉ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đó mà thôi.

‘ Ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie đã quyết định cắt bỏ tuyến vú của mình vì lo sợ ung thư. (Ảnh: internet)

PV: Quyết định cắt bỏ ngực để giảm nguy cơ ung thư vú của ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie được ca ngợi là hành động dũng cảm. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, xin bác sĩ cho biết nhận định của mình về liệu pháp cắt bỏ này, liệu nó có phải là biện pháp phù hợp với phụ nữ có thừa kế gen đột biến trong gia đình có tiền sử bị ung thư hay không?
PGS. TS. Trần Văn Thuấn:
Tùy theo quan điểm của từng nước, từng cá nhân và từng bác sĩ, cũng có thể cắt tuyến vú dự phòng. Tuy nhiên, cắt tuyến vú dự phòng có ảnh hưởng hết sức lớn đối với tâm lý của người phụ nữ và phải nói rõ rằng cắt tuyến vú như vậy không hẳn đã loại bỏ hoàn toàn ung thư vú, do ung thư vú vẫn có thể phát triển ở phần vú còn lại mà phẫu thuật chưa cắt hết.

Ngoài ra gen BRCA1 không những là gen có nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư vú mà còn có thể gây ra ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng, như vậy, chúng ta không thể cắt toàn bộ tạng được.

Theo chúng tôi, những trường hợp có gen này nên sàng lọc sớm ở tuổi sớm hơn và cũng nên đi khám định kỳ thường xuyên hơn. Nếu phụ nữ được phát hiện sớm, chúng tôi khẳng định ung thư vú là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được, thậm chí bên cạnh việc chữa khỏi chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn được tuyến vú – đảm bảo tính thẩm mỹ cho người phụ nữ.

PV: Xin bác sĩ cho biết, phương pháp hiệu quả để phòng ngừa ung thư vú để nó vừa an toàn cũng như phù hợp với tâm lý, sức khỏe?

PGS. TS. Trần Văn Thuấn: Nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong chế độ ăn có một hàm lượng đạm vừa phải, tăng cường hoa quả, rau xanh…

Tránh hoặc hạn chế tối đa rượu bia và nên tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì chỉ số khối cơ thể một cách hợp lý. Nên sinh đẻ có kế hoạch và khi có con nên cho con bú.

Điều đặc biệt nhất là hạn chế tối đa việc dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone thay thế.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ về những thông tin vừa rồi.

Mời quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Văn Thuấn TẠI ĐÂY.


Cùng chuyên mục