Cảnh giác món ăn khoái khẩu ngày Tết là "khắc tinh" của sức khỏe

Văn Thành, icon
08:00 ngày 04/02/2022

VTV.vn - Trong những ngày Tết, có những món ăn, những gia vị không thể thiếu được, nhưng đây cũng có thể là "kẻ thù" với sức khỏe.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec những món ăn yêu thích ngày Tết dưới đây bạn nên cảnh giác nếu có sẵn bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh lý mạn tính khác.

Dưa hành

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh", từ bao đời câu ca này được truyền lại, đồng thời ẩn chứa sự kết hợp các món ăn để làm tăng hương sắc cổ truyền nên dưa hành không thể thiếu được trong mâm cơm ngày Tết của người Việt.

Thông thường các món ăn ngày Tết thường chứa nhiều đạm và chất béo như bánh chưng, thịt nấu đông, thịt kho tàu, nem ran, giò chả, rất dễ ngán hoặc có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Với vị chua, cay nhẹ của dưa hành (hay còn gọi là củ kiệu) thường được ăn kèm để tăng khẩu vị món ăn, giảm bớt ngán, kích thích tiêu hóa, nhất là những người bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy bụng...

Tuy nhiên, dưa hành muối lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe, đặc biệt không nên ăn khi bạn mắc bệnh dạ dày, bệnh thận, tăng huyết áp hoặc phụ nữ mang thai.

Măng

Măng là một trong những món ăn không thể thiếu trong ẩm thực truyền thống, đặc biệt canh măng nấu cùng chân giò thơm ngon, béo ngậy còn mang hương sắc ẩm thực ngày Xuân.

Măng tốt cho sức khỏe như giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol, tốt cho tim, chống ung thư, chống viêm, tăng cường miễn dịch....

Theo bác sĩ Kim Anh, những người không nên ăn măng (nhất là măng tươi) gồm: phụ nữ mang thai vì tăng nguy cơ ngộ độc, người bệnh thận (thận mạn tính và suy thận), bệnh gout, đặc biệt người có bệnh lý dạ dày, vì trong măng có thể chứa hàm lượng acid cyanhydric (khoảng 230mg trong một kg măng củ) là chất độc hại cho dạ dày.

Bánh chưng/ bánh tét

Thấy bánh chưng là thấy Tết đến xuân về, món ăn không thể thiếu ở Bắc Bộ vào mỗi dịp Tết đến. Bánh chưng là sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đỗ xanh, thịt mỡ, tiêu và được gói vuông bằng lá dong tạo nên.

Ở miền Trung, miền Nam lại có đặc trưng là bánh tét được gói bằng lá chuối và tạo thành từng đòn hình trụ. Bánh có nhiều loại như bánh mặn, bánh ngọt, bánh không nhân, bánh thập cẩm.

Không chỉ là món ăn thơm ngon, độc đáo mang không khí Tết, là linh hồn của mâm cơm Tết, mà cả hai loại bánh này đều có giá trị dinh dưỡng cao, cụ thể đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc giảm các hiện tượng sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Với nguyên liệu được làm từ gạo nếp nên cung cấp lượng tinh bột lớn, đây còn là thực phẩm tốt cho gan.

Khi ăn bánh chưng có thể kèm thêm củ hành muối, củ cải dầm hay dưa muối sẽ càng đậm đà, khó quên hương vị.

Bên cạnh giá trị dinh dưỡng đem lại, bánh chưng được xem là "khắc tính" với người bị viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích hay trào ngược dạ dày thực quản.

Bác sĩ Kim Anh lưu ý: những người không nên hoặc hạn chế ăn bánh chưng nếu mắc các bệnh lý như người có nguy cơ hoặc hiện đang thừa cân béo phì, bệnh thận, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, người bị mụn nhọt.

Các gia vị

Trong các món ăn ngày Tết, việc bổ sung gia vị thường không thể thiếu được, giúp món ăn thêm đậm vị, đậm hương và đậm sắc đặc trưng của từng món ăn. Đặc biệt việc bổ sung các gia vị tiêu, ớt, gừng, đinh hương, quế còn giúp tăng vị giác, kích thích ăn uống và tiêu hóa.

Bên cạnh những lợi ích đem lại, các gia vị này nếu sử dụng quá nhiều hoặc trên người có bệnh lý có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Bác sĩ Kim Anh chỉ ra một số hạn chế của các gia vị phổ biến người dân cần chú ý như:

Ớt là gia vị rất phổ biến, có hợp chất dầu capsaicin, hoạt chất trong nhiều loại kem bôi, cao dán chống viêm khớp và đau cơ. Vì vậy, thêm ớt vào món ăn còn được xem như bài thuốc cảm lạnh theo dân gian. Tuy nhiên, cái chát trong ớt sẽ kích thích mạnh đến niêm mạc dạ dày, gây đau bụng, đi ngoài và chảy máu khi bị trĩ. Ngoài ra, người bị cao huyết áp, viêm họng, viêm thực quản, viêm loét dạ dày, trĩ... nên ít ăn hoặc không ăn ớt.

Hạt tiêu có vị cay, thơm, có tác dụng trừ hàn, trị đau bụng, lạnh bụng, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa (Kích thích dạ dày thúc đẩy quá trình tiêu hóa giúp hạn chế tình trạng ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi, khó chịu dạ dày), kháng khuẩn, tốt cho hệ thần kinh, giúp giảm cân... Nhưng nếu ăn nhiều hạt tiêu có thể gây tác dụng ngoài ý muốn trong các trường hợp như rối loạn tiêu hóa, gây nóng rát trong dạ dày, khô da, mụn nhọt, tăng nguy cơ bị trĩ...

Thức ăn quá cay (nhiều tiêu, ớt) không nên dùng cho người có bệnh lý dạ dày (viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản)

Đường và muối được tiêu thụ phổ biến nhất trong chế biến thực phẩm để tăng vị trong món ăn thì thừa đường và muối gắn liền với gia tăng bệnh thừa cân béo phì, bệnh tim mạch,…

Bia rượu

Rượu, bia là đồ uống thường không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, lễ Tết. Nếu uống rượu bia quá mức đáp ứng của cơ thể, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây hậu quả khó lường đối với sức khỏe.

Bia rượu được xem là hung thủ gây tổn thương gan, thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch, uống rượu, bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống nhiều rượu, bia còn gây mất trí nhớ, run tay chân, rối loạn tinh thần.

Bia rượu cũng là tác nhân làm trầm trọng hơn các đơn đau co thắt do hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh viêm dạ dày tái phát, nhất là những người vốn có tiền sử viêm dạ dày đặc biệt lưu ý cần tránh sử dụng rượu bia.

Chè đặc, cà phê, nước uống có gas

Là thức uống không thể thiếu trong dịp Tết đến, xuân về, nhưng khi uống quá nhiều chè đặc, cà phê không có lợi cho sức khỏe. Chè và cà phê đều chứa cafein nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch, chức năng thận và ống tiêu hóa. Đặc biệt đối với những người bị bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh lý dạ dày không nên dùng cà phê và nước chè đặc.

Để hạn chế ảnh hưởng đó, nên dùng cà phê và nước chè vào buổi sáng, không nên dùng trước khi đi ngủ.

Nước uống có gas, nước ngọt là thức uống đặc biệt hấp dẫn với trẻ em trong ngày Tết, nếu cha mẹ không kiếm soát việc uống của con thì đây có thể nguyên nhân gây khiến trẻ thừa cân béo phì.

Để năm mới đong đầy ấm áp, hạnh phúc viên mãn, thì một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học ngay cả trong dịp Tết của bạn và gia đình cần lưu ý như sau:

Lựa chọn thực phẩm an toàn, phối hợp món ăn cân đối chất dinh dưỡng, sử dụng hợp lý gia vị trong bữa ăn (theo từng nhóm nêu trên).

Kiểm soát lượng rượu, bia uống vào.

Uống đủ nước, ăn đủ rau xanh và trái cây.

Dinh dưỡng phù hợp với từng thành viên gia đình (chế độ cho người già, trẻ em hay người mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường...).

Ngoài ra, bạn nên thực hiện ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, luyện tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục