Bụi mịn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Minh Đức, icon
02:32 ngày 12/03/2019

VTV.vn - Bụi mịn trong không khí sẽ kết hợp cùng khí thải từ phương tiện gây cản trở cơ thể mang oxi đến các tế bào, khiến các tế bào thiếu oxi, gây kích ứng.

Theo thông tin từ Chi cục bảo vệ Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại Hà Nội trong những ngày tháng 2 vừa qua đang ở mức kém, nhiều chuyên gia cũng nhận định loại bụi mịn cũng đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Loại bụ thông thường được biết đến là bụi đường - có đường kính PM10 (micromet) trôi nổi trong không khí. Nhưng nguy hiểm hơn cả là bụi mịn PM 2.5, loại bụi này có kích cỡ nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người và có khả năng đi sâu vào phế nang phổi, thậm chí là mạch máu gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường cho biết, nguyên nhân gây ra bụi mịn chủ yếu là khí thải giao thông như xe máy, xe ô tô, xe bus... Bụi sinh ra nhiều nhất từ các loại xe chạy bằng dầu, ở công trình xây dựng, các nhà máy điện, đốt gỗ hoặc đốt rác, các nhà máy công nghiệp... Chưa kể các khí thải từ phương tiện như SO2, NO2, CO còn gây ngạt hóa học, kích ứng nếu hít phải lượng lớn.

Bụi mịn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 1.

Chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội trong ngày 11/3 ở mức cao

Các chuyên gia cũng cho hay, bụi PM 2.5 kết hợp cùng các khí thải từ phương tiện sẽ cản trở việc cơ thể mang oxi đến các tế bào, khiến các tế bào thiếu oxi, gây kích ức mắt, mũi, họng, gây khó thở, viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và khiến nhiều căn bệnh mạn tính khác nặng hơn.

BS Đinh Văn Lượng (Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia) cho hay, môi trường không khí ô nhiễm sẽ rất nguy hiểm nếu có các hạt bụi kích thước dưới 5µm vì những hạt này có thể vào sâu phế quản và lưu tại đó. Ô nhiễm môi trường tác động nhiều đến các bệnh lý đường hô hấp như bệnh nhiễm trùng hô hấp ở cả trẻ nhỏ và người lớn, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Đinh Văn Lượng cũng nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường không khí chính là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ ung thư phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ em chịu tác động nhiều nhất của ô nhiễm không khí. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn.

Khi nói về những tác hại của bụi mịn và sự ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe con người, bác sĩ Đinh Văn Lượng cho biết: "Có hai triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp là ho và khó thở. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần lưu ý các triệu chứng, dù chỉ phát hiện ở mức độ nhẹ như khó thở khi gắng sức thì cũng cần phải đi khám. Nếu bệnh nhân ho hoặc khó thở dưới 2 tuần có thể là một bệnh lý cấp tính, còn nếu ho trên 2 tuần thì luôn phải cảnh giác với các bệnh lý mạn tính, cần đi khám phát hiện ngay".

Bác sĩ cũng khuyên, để phòng bệnh hô hấp cần là tránh xa môi trường ô nhiễm, khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi ở môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục