Bong gân là thuật ngữ dân gian chỉ những tổn thương làm căng dãn, đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng - là cấu trúc kết nối xương với xương, có vai trò làm vững khớp, dẫn đến tình trạng mất vững khớp nhưng chưa gây trật khớp.
Trật khớp là sự di chuyển bất thường của các đầu xương khiến cho diện tiếp khớp của các đầu xương bị sai lệch. Trật khớp là hậu quả của những chấn thương nặng và thường kèm theo tình trạng tổn thương nặng nề của dây chằng, bao khớp và các cấu trúc xung quanh.
Dấu hiệu bị bong gân, trật khớp và các tổn thương thường gặp
Theo ThS.BS Đỗ Văn Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bong gân, trật khớp có thể xảy ra ở tất cả các khớp nhưng thường gặp ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, khớp khuỷu và khớp vai. Bong gân, trật khớp thường là hậu quả của những chấn thương đột ngột, gắng sức do cơ chế chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng khớp gây nên, thường gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hay chấn thương thể thao.
Biểu hiện của bong gân rất thay đổi, tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương. Các triệu chứng của bong gân thường là đau, sưng nề, bầm tím tụ máu vùng khớp, giảm khả năng vận động khớp và chi thể bị tổn thương. Trong trường hợp nặng, bong gân dẫn đến lỏng khớp và mất chức năng của khớp.
Trật khớp thường có biểu hiện nặng hơn nhiều so với bong gân. Các triệu chứng của trật khớp bao gồm biến dạng khớp, sưng nề và bầm tím phần mềm xung quang khớp, đau rất nhiều, không vận động được khớp bị trật, có cảm giác tê bì, kiến bò vùng chi thể phía dưới khớp bị trật. Trật khớp có thể gây biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh kèm theo.
- Khớp vai: Trật khớp vai tái diễn do tổn thương sụn viền và bao khớp phía trước. Rách gân cơ chóp xoay, tổn thương sụn viền, tổn thương đầu dài gân cơ nhị đầu.
- Khớp khuỷu: Trật khớp khuỷu, tổn thương đầu xa gân cơ nhị đầu cánh tay
- Khớp cổ tay: Trật khớp quay trụ dưới, tổn thương phức hợp sụn sợi.
- Khớp gối: Đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, rách sụn chêm, trật bánh chè tái diễn…
- Khớp cổ chân: Tổn thương dây chằng delta, dây chằng sên mác trước…
Chủ quan và sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp
Nhiều người cho rằng bong gân, trật khớp là những thương tích nhẹ, có thể tự điều trị hoặc dùng một số biện pháp dân gian như xoa dầu nóng, bóp rượu ngâm, đắp thuốc lá vào vùng chi thể bị đau. Tuy nhiên, những phương pháp này đều chưa được kiểm chứng, có thể để lại hậu quả khôn lường như: kéo dài triệu chứng bệnh, teo cơ, cứng khớp hoặc mất chức năng của khớp. Thậm chí, bong gân được điều trị muộn hoặc không đúng dẫn đến tình trạng lỏng khớp và đau khớp mạn tính.
Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời khi có những triệu chứng sau:
- Bị chấn thương lại vào vùng khớp đã bị bong gân trước đó.
- Đau nhiều vùng khớp bị thương tổn, không thể vận động được khớp hoặc không thể đứng tỳ chân hoặc đi lại được.
- Không thể bước đi được 4 bước mặc dù không thấy đau nhiều hoặc người bệnh cảm thấy lỏng khớp.
Những điều nên làm khi bị bong gân, trật khớp
Bong gân nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, bong gân nặng cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán mức độ nặng, điều trị và theo dõi sau điều trị. Xử trí cấp cứu khi bị bong gân cần thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Để chi thể bị tổn thương được nghỉ ngơi. Trong trường hợp bong gân nhẹ, cần hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Nếu tổn thương khớp chi dưới, cần hạn chế đi lại hoặc hỗ trợ đi lại bằng nạng. Nếu tổn thương khớp chi trên cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi người bệnh đỡ đau có thể nhẹ nhàng tập vận động trở lại. Trong trường hợp bong gân nặng, cần phải để khớp bị thương tổn ở tư thế cơ năng - là tư thế mà khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bệnh thường được bó bột hoặc nẹp bột để hỗ trợ cho khớp được cố định. Sau 4 - 6 tuần, có thể cho người bệnh tập vận động trở lại.
- Nên sử dụng túi chườm để thực hiện chườm lạnh cho vùng khớp bị thương tổn. Chườm lạnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chấn thương, trong khoảng 15 - 30 phút, 4 - 8 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi thấy đỡ sưng nề. Nếu sử dụng đá để chườm cần tránh chườm một vị trí trong thời gian quá lâu gây bỏng lạnh phần mềm.
- Băng ép vùng khớp bị thương tổn: Sử dụng băng chun để thực hiện băng ép. Băng ép không quá chặt sẽ gây khó chịu cho người bệnh nhưng cũng không quá lỏng thì mới hiệu quả.
- Nâng cao chi thể bị tổn thương: Nâng cao vùng chi thể bị tổn thương bằng cách để vùng ngọn chi (bàn tay, bàn chân) cao hơn vùng gốc chi (khuỷu, gối) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương tổn hơn mức tim khi có thể nhằm hạn chế và phòng ngừa sưng nề cho vùng chi thể bị tổn thương.
Các phương pháp điều trị bong gân, trật khớp
- Dùng thuốc: Đối với bong gân nhẹ và vừa, bác sĩ thường hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc trên và dùng thuốc giảm đau chống viêm thông thường như paracetamol, ibuprofen… Tập phục hồi chức năng được thực hiện khi người bệnh cảm thấy đỡ đau. Quá trình tập vận động khớp được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được chỉ định khi bong gân nặng, nghĩa là dây chằng bị đứt hoàn toàn và dẫn đến tình trạng lỏng khớp.
Trật khớp là một thương tích nặng, có nhiều biến chứng và di chứng. Điều trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của khớp bị trật, do đó cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Nắn chỉnh khớp: Bác sĩ sẽ thực hiện nắn chỉnh các đầu xương của diện khớp về đúng vị trí giải phẫu. Tùy thuộc vào tình trạng khớp bị trật, vị trí khớp, mức độ thương tổn của khớp trật mà trong quá trình thủ thuật bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ, gây tê vùng hay gây mê cho người bệnh.
- Bất động khớp: Sau khi nắn chỉnh khớp về vị trí giải phẫu, bác sĩ có thể bất động khớp bị trật bằng cách bó bột, dùng dụng cụ trợ đỡ hoặc treo tay. Thời gian bất động khớp phụ thuộc vào độ nặng của trật khớp và các tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh phối hợp.
- Phẫu thuật được đặt ra nếu bác sĩ không thể nắn chỉnh kín diện khớp về vị trí giải phẫu hoặc khi có tổn thương mạch máu, thần kinh, dây chằng kèm theo. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong trường hợp trật khớp tái diễn, nhất là ở khớp vai.
- Phục hồi chức năng: Ngay sau khi được tháo bỏ dụng cụ bất động khớp, người bệnh sẽ bắt đầu chương trình tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại biên độ vận động của khớp và sức mạnh cơ bắp. Quá trình tập phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, với nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng và cường độ từ thấp đến cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
VTV.vn - Áp lực về kinh tế, công việc, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc trong việc sinh con.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm.
VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận sự gia tăng số lượng trẻ đến khám Khoa Nam học do các vấn đề liên quan đến béo phì, điển hình là vùi dương vật, tinh hoàn nhỏ.
VTV.vn - Tiết lộ bí mật đằng sau Neo Kids – Thương hiệu toàn cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em, chinh phục người tiêu dùng bởi chất lượng vượt trội, sự uy tín và tình yêu trọn vẹn.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi bàng quang to như quả trứng gà trên nền bệnh sỏi thận hai bên và sỏi niệu quản trái cho bệnh nhân.
VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa phẫu thuật trong đêm cứu sống bệnh nhi ngay sau khi chào đời tại Khoa Sản – Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh được chẩn đoán huyết khối gây thuyên tắc phổi.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nam 31 tuổi, bị sốc phản vệ - ngưng tim do ong đốt.
VTV.vn - Gia đình phát hiện bé gái 15 tháng tuổi trong tình trạng bị méo miệng, mắt không nhắm kín.
VTV.vn - Tính đến tuần 46, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết và là tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam (chiếm 25%).
VTV.vn - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương qua xét nghiệm đã xác định mẫu bệnh phẩm một trường hợp tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng dương tính với bệnh bạch hầu.
VTV.vn - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 62 tuổi, trong tình trạng suy thận cấp, rối loạn nhịp tim rung nhĩ, đường huyết tăng cao không kiểm soát...
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa kịp thời xử trí, cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê.
VTV.vn - Tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.
VTV.vn - Sáng nay 22/11, tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Tàu 414 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiến hành bàn giao ngư dân bị bệnh trên tàu cá cho gia đình và chính quyền địa phương.