Bảo vệ sức khỏe khi làm việc ngoài thời tiết nắng nóng

Tuấn Bảo, icon
08:32 ngày 23/06/2019

VTV.vn - Những người phải làm việc ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức rất dễ rơi vào trạng thái say nắng, say nóng.

Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng nhất của mùa hè, nhiệt độ cao nhất lên tới 39 độ C, có những thời điểm, nhiệt độ ngoài trời đạt ngưỡng hơn 40 độ C. Thời tiết nắng nóng như hiện nay luôn đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người phải lao động trực tiếp ngoài trời như thợ xây, thợ hồ...

Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân trong mùa nắng nóng, bác sĩ Hoàng Hồng Quang - Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã đưa ra những lời khuyên để người dân có những kiến thức cơ bản, chủ động phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng chống, xử trí một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng:

Vào mùa nắng nóng, người lao động có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như: say nắng, say nóng hoặc một số bệnh lý tim mach, đột qụy... Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hay làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Biểu hiện của việc say nắng, say nóng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ, tối sầm mặt, choáng váng, khát nước, đau đầu, buồn nôn, nôn, da mặt đỏ ửng, đi không vững, chuột rút và thân nhiệt tăng...

Khi phát hiện người có biểu hiện bị say nắng, say nóng, cần nhanh chóng đưa người đó vào nơi mát, thoáng gió, không nên tập trung đông người nơi bệnh nhân đang nằm. Sau đó nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát, đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn, sốt tăng liên tục kèm với các triệu chứng như đau bụng, đau ngực, khó thở thì nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Vào những ngày nắng nóng như thế này, bác sĩ Quang khuyến cáo:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật sự cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, đeo kính...

- Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi.

- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nhiều nước , không nên chờ khát mới uống trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol...Tuy nhiên, không nên uống nước quá lạnh, nước đá dễ gây viêm họng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục