6 lần phẫu thuật cứu bé mắc hội chứng hẹp hộp sọ phức tạp hiếm có trên thế giới

Lê Thạch, icon
10:33 ngày 28/04/2019

VTV.vn - Sau 6 lần phẫu thuật trong 5 năm, bệnh nhi từ nguy cơ tàn tật, chậm phát triển trí tuệ, mù lòa trở về cuộc sống gần như bình thường.

Bé N.T.T, 6 tuổi không may sinh ra với hội chứng Apert, một hội chứng dị tật sọ mặt phức tạp hiếm gặp với tỉ lệ xuất hiện chỉ từ 1/65.000 - 1/200.000 trẻ sơ sinh sống. Hội chứng này bao gồm nhiều dị tật phối hợp từ hẹp hộp sọ mức độ nặng, thiểu sản hốc mắt, xương hàm trên, khe hở vòm cũng như là dính tất cả 5 đầu các đầu ngón tay và ngón chân với nhau.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: đối với hội chứng đa dị tật này vấn đề hẹp hộp sọ và ổ mắt sẽ là hai vấn đề nguy hiểm và cấp thiết cần giải quyết trước so với dị tật bàn tay của trẻ. Việc hộp sọ liền sớm trước 1 năm làm cho não bộ không phát triển được.

Nhiều nghiên cứu cho thấy: não bộ của trẻ cần phát triển rất nhanh trong 12 tháng đầu đời. Việc tăng áp lực nội sọ sẽ gây chèn ép đè đẩy vào tổ chức não. Nếu không tiến hành phẫu thuật tạo hình nới rộng hộp sọ thì não sẽ không phát triển được.

"Hậu quả là trẻ trở thành thiểu năng trí tuệ và không thể tự phục vụ được mình. Phần mắt lồi ra không được che phủ sẽ có nguy cơ loét giác mạc gây ra giảm thị lực và mù lòa. Chính vì vậy, việc yêu cầu can thiệp phẫu thuật sớm ngay khi trẻ dưới 12 tháng tuổi là một vấn đề cấp bách" - PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm.

Theo mẹ bệnh nhi, do được can thiệp sớm vào thời điểm thích hợp lúc cháu mới 10 tháng tuổi để tái tạo hộp sọ và trần ổ mắt nên đến giờ bé phát triển trí não bình thường. Cháu có thể bắt đầu tập đọc, tập viết, tập hát chơi đùa giống như các trẻ em khác. Hiện tại, gia đình đưa cháu đến viện chuẩn bị phẫu thuật tách nốt các ngón tay ở bàn tay trái để có thể tự tin đến trường cùng các bạn bạn trong năm học tới đây.

Được biết Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á là một trong những khu vực có tỷ lệ dị tật bẩm sinh về sọ mặt gần như cao nhất thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển đội ngũ y bác sĩ trang, bị kiến thức đầy đủ cũng như phương tiện vật chất là hết sức cần thiết cho công tác khám chữa bệnh.

Trước đây, do điều kiện y tế nước nhà còn khó khăn nên với các bệnh lý phức tạp này những gia đình có điều kiện thường phải đi ra nước ngoài chữa trị tốn kém, vất vả với hàng chục lần phẫu thuật trong thời gian dài. Những bệnh nhân không có điều kiện phẫu thuật dẫn đến tàn tật suốt đời, để lại một gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.

Từ 10 năm trở lại đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gửi rất nhiều các bác sĩ ra nước ngoài đào tạo tại các trung tâm lớn về phẫu thuật sọ mặt của Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc. Có những đợt bệnh viện đã cử cả một đoàn gồm đầy đủ bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình, Hàm mặt, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật thần kinh để làm sao tạo được một vòng chuyên khoa khép kín đồng bộ, có thể điều trị toàn diện cho những dị tật phức tạp này. Bệnh viện đã khám và phẫu thuật thành công cho hàng trăm trẻ có dị tật sọ mặt bẩm sinh.

Từ ngày 5 - 11/5, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ sẽ phối hợp với đoàn chuyên gia hàng đầu về Phẫu thuật Tạo hình sọ mặt đến từ Vương quốc Anh thăm khám và phẫu thuật cho các trẻ có dị tật bẩm sinh về sọ mặt như Apert, Crouzon, teo lép nửa mặt, không có tai microtia...

Các gia đình muốn đăng ký có thể gọi điện vào số máy của Khoa 02438253531 số lẻ 350 (24/24h) để có thêm thông tin và đăng ký khám miễn phí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục