2,8 triệu người Việt Nam mắc bệnh loãng xương

An Hải, icon
07:43 ngày 05/08/2013

 Tại Việt Nam, bệnh loãng xương đã ở mức báo động, việc sử dụng những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa loãng xương - căn bệnh diễn biến âm thầm và rất nguy hiểm này, đang trở nên hết sức cần thiết.

Theo Hiệp hội loãng xương quốc tế, cứ 3 giây là có một ca gãy xương do loãng xương, tương đương với 25.000 ca gãy xương mỗi ngày hoặc 9 triệu ca mỗi năm.

Mắc chứng bệnh loãng xương, bệnh nhân phải duy trì một chế độ luyện tập thường xuyên, liệu trình phải kéo dài và liên tục; đặc biệt là cung cấp đầy đủ dưỡng chất (calcium, vitamin D, chất đạm…) cho xương.

‘ Tình trạng xương bình thường (trái) và loãng xương. (Ảnh: SKĐS)


Theo nghiên cứu, loãng xương xảy ra phổ biến ở phụ nữ với con số:1/3 phụ nữ trên 30 tuổi mắc bệnh này. Nguy cơ loãng xương ở phụ nữ càng tăng cao sau khi sinh nở và ở độ tuổi trên 50. Nguy hiểm của căn bệnh này là dễ dẫn đến gãy xương tiềm tàng mà bệnh nhân không biết được.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan cho biết: “Ngoài yếu tố di truyền, thói quen ăn uống, vận động và tập thể thao hay các bệnh lý khác là những yếu tố gây nguy cơ loãng xương rất cao”.

Tại Việt Nam, bệnh loãng xương đã vượt mức báo động. Ước tính có hơn 2,8 triệu người bị loãng xương; trong đó phụ nữ chiếm 76%. Các nghiên cứu cho thấy, chi phí điều trị cho bệnh loãng xương rất lớn vì phải điều trị lâu dài và gây biến chứng cao. Do vậy, việc phòng ngừa bệnh loãng xương là giải pháp giảm gánh nặng về y tế cho xã hội, đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho mỗi người.

Ở Việt Nam vẫn còn có tình trạng đáng quan ngại là nhiều bệnh nhân loãng xương chưa được chẩn đoán và điều trị thích hợp, đầy đủ. Chính vì vậy, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe xương là một vấn đề hết sức quan trọng và nên được thực hiện càng sớm càng tốt.




Cùng chuyên mục